- Một mình nhà nó ôm khư khư cái chức trưởng thôn đã bao năm nay, vậy
mà vẫn không chịu buông ra. Thôn này đã đến lúc phải thay chủ!
Lão Nguyên nghe vậy, biến sắc, vội ngăn lại:
- Nói năng phải giữ mồm giữ miệng kẻo chuốc họa vào thân. Không nghe
trong kịch người ta hát thế nào à! Các anh có thành địa chủ, người ta cũng
không quan tâm, chẳng qua họ khinh. Các anh muốn thay đổi trật tự ở cái
thôn này, người ta lại không ăn thịt anh luôn đấy!
Điện Nguyên và Mao Đán lúc ấy không nói năng gì. Nhưng sau này trong
một lần cưỡi ngựa đi thu tô, Điện Nguyên nói:
- Thầy anh kể cũng nhát gan. Một thằng trưởng thôn quèn thì có gì là ghê
gớm! Trong kịch người ta hát thế nào? Chẳng phải là giết vua thì sẽ có
ngày làm vua sao? Anh em mình phải thử một phen!
Nói xong, hai anh em nhìn nhau cười, quất ngựa phóng đi.
Cơ hội quả nhiên đã đến. Dân quốc rồi. Cách mạng rồi. Nhưng phải sau khi
Dân quốc 3 năm, trên huyện trên xã mới làm một cuộc cách mạng, thay cả
huyện trưởng, xã trưởng. Nhưng trưởng thôn thì vẫn không thay, vẫn là Lão
Hỷ, vẫn họp làng thường xuyên. Tân xã trưởng là Điền Tiểu Đông, một
thanh niên mặt còn hơi sữa, vốn cũng có được mấy năm đèn sách. Quan
mới nên hăng hái lắm. Ngày hôm sau đã tổ chức cuộc họp với trưởng thôn
các thôn. Tại cuộc họp, anh ta giảng giải một thôi một hồi về chủ nghĩa
Tam dân
của Tôn Trung Sơn. Nói mãi, các vị trưởng thôn rốt cuộc cũng
chẳng hiểu mô tê gì. Tiểu Đông dừng lại giữa chừng hỏi:
- Các vị nghe có hiểu không?
- Hiểu rồi ạ! - Các trưởng thôn đáp.
- Chủ nghĩa Tam dân là gì?
- Là dạy dân phải biết tuân thủ phép tắc ạ!