Nghĩ đến đây, Thích Vị bỗng thấy hào hứng, chờ đợi giây phút cuộc chiến
bắt đầu. Thích Vị không nói gì, chỉ nhìn Hòa Thượng đang giả say nằm đó.
Hòa Thượng giả say thật. Đến ăn đêm cùng Thích Vị, ông ta vốn không
muốn bàn bạc gì với Thích Vị, chỉ muốn thăm dò xem ý tứ của Thích Vị
thế nào, xem ông ta có âm mưu gì. Đã thành kẻ thù giai cấp của nhau, còn
có gì để bàn bạc nữa? Hòa Thượng chẳng qua chỉ muốn biết Thích Vị tìm
ông ta để bàn việc gì? Khi nghe Hòa Thượng nói đến mục đích của buổi
thương lượng, rằng mong Hòa Thượng “giơ cao đánh sẽ”, “bỏ qua” cho
ông ta, Hòa Thượng mừng rơn trong bụng. Thì ra là thế. Điều này chứng tỏ
chính sách liên kết của mình đã thành công. Thích Vị đã sợ. Mà một khi
đối phương đã sợ, thì coi như cuộc đấu tranh đoạt quyền của phe ông ta đã
thắng lợi một nửa. Cũng giống như hai người đánh nhau, một người run sợ,
còn một người liều lĩnh, thì chắc chắn phần thắng sẽ thuộc về kẻ liều lĩnh.
Nhưng Hòa Thượng không bao giờ “bỏ qua” cho Thích Vị. Mâu thuẫn giữa
hai người không phải một sớm một chiều. Nó đã chất chứa mười mấy năm
rồi, đã trở thành mâu thuẫn giai cấp rồi, không thể nào thay đổi, không thể
nào “bỏ qua” được nữa. “Bỏ qua” cái con khỉ? Ông ta xin mình “bỏ qua”,
chẳng qua vì mình đang chiếm ưu thế. Chứ nếu mình “bỏ qua” cho ông ta
thật, đợi đến khi ông ta chiếm lại ưu thế, chắc chắn không bao giờ có
chuyện ông “bỏ qua” cho mình. Tranh giành chức vị thật sự là cuộc chiến
một mất một còn, làm gì có chỗ cho “bỏ qua” hay không “bỏ qua”? Đừng
có cả tin vào những lời nhăng nhít ấy. Gì thì gì, Hòa Thượng cũng đã có
mười mấy năm làm cán bộ. Kinh nghiệm đấu tranh nhiều thì không dám
nói, nhưng ít thì khối. Nhưng ông ta cũng không tiện trả lời thẳng với
người ta là “bỏ qua” hay “không bỏ qua”. Giống như quân lính đánh nhau
trên chiến trường. Lính tráng đánh nhau một trận sống mái, máu thịt nhầy
nhụa, nhưng sĩ quan hai bên khi gặp nhau vẫn cứ phải chìa tay ra bắt cho
nó lịch sự. Bởi vậy, Hòa Thượng không trả lời “bỏ qua”, cũng không trả lời
“không bỏ qua” mà đánh bài giả vờ say.