Trong từng lời nói tưởng như chỉ đùa vui với vợ, mà thực tế chàng đã
chọn một thân sĩ Bắc hà theo hầu cận bên mình chẳng phải là để có điều
kiện trao đổi tâm tình, khiêm tốn học hỏi ở bậc kỳ sĩ vào mọi lúc mọi nơi
ư? Chẳng những thế, đối với vợ, chàng còn thể hiện sự bình đẳng thủy
chung, muốn phá vỡ hoàn toàn cái tư tưởng đa thê. Đó cũng là lý do mà
dưới trướng của chàng có được những nữ tướng tài danh, kiên trung mẫu
mực và đã trở thành bè bạn phu thê chan hòa. Khác với tư tưởng chính
thống của triều Lê, xưa nay vốn dĩ xem thường phụ nữ.
Gần đây thấy tướng công băn khoăn lo lắng cho mặt trận phía Nam,
bởi đã hiểu em mình hơn ai hết. Đông Địnhvương vốn dĩ rất nhân hậu cầu
toàn, được mất chẳng màng, sai gì làm nấy chứ không có tài kinh bang tế
thế như hai anh, e rằng sẽ bị Nguyễn Ánh uy hiếp. Chưa giải nỗi băn khoăn
ấy, chàng lại phải đối đầu với mặt trận phía Bắc ư?
Duy Kỳ quả là đồ ăn hại! Giận anh vô cùng, nàng chẳng thể không
nhớ về thuở: chúa Trịnh ức hiếp vua cha, lộng hành từ trong ra ngoài.
Nhiều lúc, nỗi căm phẫn cứ nhân lên ở trong lòng, nhưng là phận liễu yểu
đào tơ chưa biêt phải làm gì thì Nguyễn Huệ xuất hiện. Lần đầu tiên trong
mắt nàng, chàng hiện lên như một vị anh hùng cải thế, có khả năng chọc
trời khuấy nước mà rất bình dị chan hòa. Dễ dàng gần gũi, mà tưởng chừng
như sợi dây thiêng liêng tình cảm đã ràng buộc tự bao giờ. Trong lòng thầm
ước mơ sẽ góp một phần bé nhỏ của mình, tiếp sức cho cánh chim hồng
bay xa, nên chẳng phản đối việc Hữu Chỉnh dụng kế mỹ nhân để nàng có
được một người chồng như ý.
Lúc vua cha băng hà, Nàng cũng muốn thực hiện ước mơ của mình.
Song quần thần nhà Lê có cái nhìn quá thiển cận, không thấy đuợc an nguy
cơ nghiệp lâu dài, không thấy được hậu quả của ngày hôm nay thì cũng
đành vậy! Nàng chấp nhận theo chồng vào Nam, nhưng trong lòng không
lúc nào an, cứ canh cánh mãi một ý nghĩ: «kẻ bất tài mà ôm nghiệp cả tất
phải vượt quá tầm tay», thì quả không sai! Thấy tướng công của mình về,