Thế là lớp người nhỏ tranh nhau tính toán ầm lên: phạt nhặt rác sân
trường hay tưới kiểng một tuần; phạt chầu nhậu hoặc trận đòn mới thõa…
Cao Hiến tạc ngang qua nghe được vừa đi vừa nói:
-Đã là đồng môn thì phải trao đổi học hỏi rút kinh nghiệm lẫn nhau và
cùng tiến bộ, chứ không nên kì thị giấu nghề. Để cho các con có điều kiện
làm quen với rừng thẳm, thầy đã lên kế hoạch đi thực tế săn bắn vào mỗi
tuần trăng sáng và sẽ cắm trại qua đêm…
Không chờ thầy dứt lời, cả lớp hoan hô tỏ vẻ thích chí với sinh hoạt
tập thể. Bởi nó là niềm vui cần có trong mỗi tuổi trẻ không ngại khó. Từng
người lại nghĩ ra sáng kiến mới xôn xao trao đổi kinh nghiệm, chuẩn bị cho
những chuyến đi săn tiếp theo đạt hiệu quả cao. Cuộc tranh luận mỗi lúc
càng sôi nổi hòa theo không khí mổ thịt rừng, kéo chén, ca hát vang lừng
trong đêm trăng sáng.
*
Dù làm bất cứ việc gì ở đâu, Hồ Trầu cũng để mắt, để tai vào trường
Cao Sơn, thấy những biến đổi không ngờ liên tục diễn ra, thì hoạt động của
anh cũng tiến triển theo quyết tâm thực hiện hoài bảo lớn lao của thầy.
Trước kia, con đường giao thương của anh là lấy hàng từ thượng nguồn đưa
về bến chợ Trường Trầu sang cho con buôn nhỏ. Thời gian còn lại, anh
phát động phong trào giúp dân trồng trọt, chăn nuôi hoàn thành nhiệm vụ
làng xã giao phó, rồi cùng thầy Cao Hiến lai rai tâm tình. Gần đây thấy hoạt
động của trường Cao Sơn nhiều biến đổi có lợi cho vấn đề tụ nghĩa, thì
bước chân anh trở nên khẩn trương trang trải đến các buôn làng miền cao
nguyên xa xôi trao đổi hàng hóa lại qua, nhưng cơ bản là tìm hiểu phong
tục tập quán của các dân tộc anh em và thuộc nhiều thứ tiếng: Ba-nar, Hrê,
Xê-đăng, Mơ-nông…