Tôi cúi đầu nhìn, chỉ thấy dưới chân chúng tôi trước đây vốn là đường
lót gạch, giờ đã biến thành một tấm đá xanh lớn, hơn nữa khi đạp xuống
tấm đá xanh này, phía dưới còn có tiếng vọng, hình như là rỗng ruột.
Tôi chợt nhớ tới lời mấy lão Nam Ba Tử nói, cái này gọi là kết cấu
"cáp tử phiên" (chim bồ câu lật), phía dưới có một thông đạo bí mật, thiết
kế vô cùng phức tạp, có thể còn thông đến ngôi mộ bên trong, cửa mộ này
thực ra chỉ dùng để nghi binh, căn bản không dùng để cho người ra vào, sau
cánh cửa còn chèn thêm sáu bảy lớp đá niêm kín chồng lên nhau, cho dù có
mang thuốc nổ đi phá, nổ đến sập cả con đường lót gạch thì cửa cũng
không mở được.
Trong sách vở tôi cũng từng đọc qua loại cơ quan này, không thể ngờ
hôm nay lại có duyên thấy tận mắt, cơ quan này xuất hiện khá phổ biến
trong mộ huyệt thời Tây Hán. Trong đầu tôi chợt nghĩ - Chẳng lẽ nơi này,
mới là mộ huyệt của Lưu Khứ? Vậy cổ mộ mang phong cách thời Nam
Tống kia là của ai?
Một điều thông trăm sự thông, tôi lập tức biết chuyện gì đang xảy ra,
mẹ kiếp, thì ra là mộ trong mộ. Năm đó giáo sư có kể cho tôi nghe một câu
chuyện, rằng trong thời kỳ cách mạng văn hóa, có một ngày bọn họ nhận
được thư tố cáo, nói ở một nơi phát hiện trộm mộ phá hoại, ông lập tức
mang người đến hiện trường, xuống xem thử, phát hiện đồ vật bên trong đã
bị trộm quét sạch, chỉ còn lại một đống đổ nát, giáo sư liền đau lòng, có
điều sau đó lại phát hiện một dấu vết kỳ quái, hóa ra quan tài từ trong quan
quách trên bệ đã được dời sang bên cạnh.
Giáo sư thấy kỳ lạ, cho người mang quan tài ra nhìn thử, mẹ kiếp,
dưới đáy quan tài huyệt mộ triều Minh là một đường hầm đen kịt sâu hun
hút. Giáo sư khó chịu trong lòng, chuyện quái gì xảy ra vậy, liền phái người
đi xem thử, liền hiểu ra, phía dưới huyệt mộ này, vẫn còn một cái mộ nhỏ
của Nam triều *, đây chính là mộ trùm mộ.