thụ thường làm? Vì sao chàng lại bỏ ngoài tai những lời khuyên dặn cuối
cùng của mẹ, chỉ giữ lại cho mình âm thanh giọng nói xiết bao thân thuộc,
ấm áp của bà? Vì sao chàng cứ cau có lầm lì đảo quanh khắp phòng tìm
kiếm đồng hồ, kính, mũ, mặc dù chúng vẫn ở đâu nguyên đấy? Bởi chàng
có phải đi ra trận đâu cơ chứ. Hàng chục trung úy khác, các đồng đội của
chàng, cũng như chàng giờ này rời tổ ấm gia đình, nhưng họ ra đi vui vẻ,
đầy ắp tiếng cười, như là đi dự hội vậy. Cớ sao khi trò chuyện với mẹ,
chàng lại chỉ thốt ra những câu tầm thường, vô nghĩa thay cho những lời âu
yếm, động viên? Nỗi buồn của cuộc đi xa đầu tiên rời khỏi ngôi nhà cũ, nơi
tiếng khóc chào đời của chàng gắn với bao hy vọng tốt đẹp, những niềm lo
lắng thường tình nảy sinh bởi mọi đổi thay trong cuộc sống, tình cảm xúc
động khi chia tay mẹ, tất cả những cái đó đã choán ngập lòng chàng, nhưng
mạnh hơn cả là một ý nghĩ lạ lùng, không sao dứt ra được, một linh cảm mơ
hồ về những sự kiện thảm khốc nào đấy, dường như chàng đang đi đến một
nơi không có đường về.
Anh bạn thân Francesco Veskovi cưỡi ngựa đưa tiễn chàng một quãng
đường. Tiếng vó ngựa khua giòn trên các đường phố vắng. Trời mới tảng
sáng, thành phố còn say giấc, nhưng đâu đó trên các tầng cao đã có những
khung cửa sổ mở ra và từ các ô cửa có những bộ mặt mệt mỏi ngó xuống để
trong một thoáng thờ ơ ngắm nhìn bức tranh tuyệt đẹp của buổi sáng đang
rạng.
Hai người bạn đi bên nhau im lặng. Drogo cố hình dung cái pháo đài
Bastiani thế nào nhưng không sao hình dung nổi. Chàng thậm chí không
biết nó nằm ở đâu, đường đi tới đó bao xa. Một số người nói đi ngựa tới đó
phải mất một ngày, số khác bảo nhanh hơn, nhưng có lẽ trong số người
chàng hỏi thăm chưa có ai từng đến đó.
Đến cổng thành Veskovi bắt đầu huyên thuyên đủ chuyện, cứ như Drogo
đang đi dạo, rồi đột nhiên anh ta nói:
- Cậu có thấy ngọn núi xanh đằng xa kia không? Đấy đấy, chính ngọn đó.
Cậu thấy khu nhà trên chót đỉnh chứ? Đó là một phần của Pháo đài, cái đồn
tiền tiêu của nó. Hai năm trước tớ và ông chú đã đi săn ở đó.