Đêm đó nghỉ tạm trong lều trại, ngày hôm sau đến ở trong biệt thự
“Khế Viên” của Yên gia dưới sự sắp xếp của Yên Hoài Thạch. Ninh Dịch
không hề dị nghị về quyết định này của Phượng Tri Vi, còn quan phủ
Hoàng Hải dị nghị ác liệt, nhưng dị nghị cũng vô ích.
Mâu thuẫn giữ thế gia Hoàng Hải và dân chúng, Phượng Tri Vi đã sai
người dò hỏi kĩ càng. Trước kia Hoàng Hải là vùng đất cằn cỗi, sau khi gỡ
lệnh cấm biển, một vài nhân sĩ có nhãn quang chuẩn xác hành động mau lẹ
đã sớm phát tài. Có phát triển ắt phải có xâm chiếm, có khuếch trướng ắt
phải có cướp đoạt, trong quá trình tranh đoạt hải vực dồi dào và các loại tài
nguyên, khó tránh khỏi liên lụy đến dân chúng vô tội. Bố chính sứ tiền
nhiệm khi cai trị Hoàng Hải đã cấu kết quá sâu với thế gia, làm rất nhiều
chuyện tổn hại đến dân chúng; hơn nữa toàn bộ dân chúng Hoàng Hải phần
lớn là người làm thuê cho thế gia, nên còn tồn tại mâu thuẫn giữa chủ tớ, có
thể nói lời ân oán dây dưa đã lâu.
Từ ngày lên cai quản Hoàng hải, Chu Hi Trung lại không dễ dãi như
người tiền nhiệm, khăng khăng cho rằng thế gia đại tộc là mối hại của quốc
gia, một khi có mối quan hệ lợi ích sâu xa với quan phủ, ắt sẽ gây hậu họa.
Ông ta áp dụng chính sách thuế cao quản chặt với năm đại thế gia, nghiêm
khắc đến gần như hà khắc, cũng hạn chế thế gia phát triển, nâng đỡ lợi ích
của dân chúng, cho nên rất được dân chúng Hoàng hải yêu mến.
Phượng Tri Vi biết những điều nàng cũng yên tâm được một nửa.
Quan lại cấu kết với thương nhân bền chắc như thép mới là cục xương
cứng không gặm nổi, dù sao Chu Hi Trương cũng còn khí phách, trải qua
sự kiện ở bến tàu, nếu đàm phán thêm thì chuyện phát triển Thuyền bạc sự
ti cũng chưa chắc là bất khả thi. Nhưng không biết trong quan trường
Hoàng Hải có bao nhiêu người là tay chân Thường gia cài cắm, ví như
trong năm đại thế gia kia ắt có bàn tay Thường thị nhúng vào, nhưng không
rõ là nhà nào thôi.