nước, cao giọng hỏi tượng Thủy Thần xem có chuyện gì mà kinh thiên
động địa đến vậy.
Nhưng trái lại, chim chóc lại thích chú Lùn. Có lẽ chúng từng nhìn thấy chú
trong rừng, chạy nhảy vô tư như một con sơn dương, đạp lên lá vàng khô
hoặc trèo thoăn thoắt lên những cái mấu trên cây sồi già, chia hạt dẻ cho
những con sóc. Chúng không chú ý đến vẻ xấu xí của chú dù chỉ một mảy
may, kể cả loài họa mi cũng vậy. Nó nhảy nhót trong lùm cây cam say sưa
cất tiếng hót ngọt ngào tha thiết đến nỗi thỉnh thoảng nàng Trăng cũng cúi
đầu lắng nghe, quên mất cả chuyện phải soi sáng nhân gian. Chú Lùn rất
chu đáo với bầy chim chóc. Trong suốt mùa đông rét mướt đói kém, khi
trên đầu các cành cây trơ trụi, bên dưới mặt đất đóng cứng như một tảng
sắt, cả sói cũng chui ra khỏi rừng lảng vảng xuống các cổng thành kiếm mồi
thì chú Lùn không bao giờ quên chúng. Lúc nào chú cũng sẵn lòng chia với
chúng những mẩu bánh mì đen trong phần ăn của chú hoặc chia với chúng
bất cứ món ăn nghèo nàn nào mà chú có được.
Những con chim bay liệng quanh chú Lùn, chạm cánh vào má chú khi bay
qua và ríu rít nói chuyện với nhau. Chú Lùn sung sướng cảm động lắm lắm,
không thể không khoe với chúng nụ hồng trắng tuyệt xinh, bảo nhỏ với
chúng rằng chính Công chúa đã tặng chú bởi vì Công chúa yêu chú.
Chim chẳng hiểu những lời Chú Lùn nói, nhưng chuyện đó thì có hề gì,
chúng cứ nghiêng đầu sang một bên, trông có vẻ khôn ngoan dễ sợ.
Thằn Lằn cũng thích chú Lùn nên khi Lùn đã mệt vì chạy nhảy và ngả mình
xuống cỏ nghỉ ngơi, chúng bò ra dạo chơi trên người chú, cố gắng làm chú
vui lòng bằng cách bày ra những trò ngộ nghĩnh nhất mà chúng có thể nghĩ
ra. “Không một sinh vật nào có thể đẹp như một con thằn lằn,” chúng kêu
lên, “và mặc dù nói như thế này nghe có vẻ lố bịch nhưng chú Lùn không
xấu chút nào, tất nhiên khi người ta ngắm nhìn chú ta với một con mắt
nhắm nghiền.” Bọn thằn lằn vốn là những triết gia bẩm sinh, chúng thường