lệnh thay đổi điều luật đó – ôi, sao cho từ giờ không một kẻ đáng thương
nào phải chịu cực hình như thế nữa.”
Vẻ hài lòng sâu sắc hiển hiện trên gương mặt ngài Bá tước, bởi ngài là
người nhân từ độ lượng – điều hiếm thấy ở những người có địa vị như ngài
giữa thời đại hung bạo này. Bá tước nói:
“Những lời cao quý của điện hạ đã khép lại hình phạt ấy. Lịch sử sẽ ghi
nhớ điều này làm vinh dự cho hoàng gia.”
Ngài phó quận trưởng định giải người tù đi thì Tom ra dấu bảo ngài đợi
đã, rồi cậu nói:
“Gượm hẵng, ta muốn tìm hiểu thêm về vụ án này. Người đàn ông này
nói chứng cứ về hành động phạm tội của hắn ta rất khập khiễng. Ngươi hãy
kể cho ta hay những điều ngươi biết.”
“Thưa điện hạ, tại phiên xử án người ta khai là anh chàng này bước vào
một ngôi nhà ở ngõ Islington, nơi một con bệnh đang nằm. Có ba nhân
chứng nói rằng sự việc diễn ra vào mười giờ sáng, hai người khác kể là
muộn hơn vài phút. Lúc đó người bệnh chỉ có một mình và đang nằm ngủ.
Gã kia đến rồi đi. Người bệnh chết trong vòng một tiếng đồng hồ sau, bị co
giật và nôn khan.”
“Có ai thấy người kia bỏ thuốc độc ra sao không? Có tìm thấy thuốc độc
không?”
“Chao ôi, không ạ, thưa điện hạ.”
“Vậy thì rốt cuộc làm sao biết được kẻ kia chết vì thuốc độc?”
“Thưa điện hạ, các thầy lang xác nhận một người có những triệu chứng
như thế chỉ có thể do thuốc độc.”
Vào thời kỳ mông muội đó, đây là một chứng cứ nặng ký. Tom hiểu
được điều này bèn nói:
“Các thầy lang biết rõ công việc của mình, hẳn là họ đã đúng. Sự việc
này có vẻ bất công đối với kẻ đáng thương này.”
“Không chỉ có vậy đâu, thưa điện hạ. Còn có chứng cứ khác tệ hơn.
Nhiều người xác nhận rằng một phù thủy khi rời khỏi làng, không ai biết đi
đâu, đã báo trước, rỉ tai với họ là người bệnh kia sẽ chết vì thuốc độc. Hơn
nữa, một kẻ lạ mặt sẽ đầu độc, kẻ lạ mặt ấy có tóc nâu, ăn mặc xuềnh