- Xin lỗi, nếu cô không ở đấy, tôi sẽ out đây!
Dường như tôi đã hét lên khi nói câu nói này, như vừa tỉnh dậy sau
cơn mơ.
Tiếng nước nhỏ giọt bỗng dưng im bặt, một giọng nói không hề
biểu cảm, nói rằng:
- Tôi đã sinh rồi, đứa con bị tôi vứt trong nhà vệ sinh.
Đó là tiếng của Tiểu Thanh, nhưng chất giọng cô ấy đột nhiên
lại bình thường, có chút gì giống như là máy nói. Điều đấy càng
làm tôi cảm thấy bất an hơn là nội dung mà cô ta đã nói. Tôi bắt
đầu thấy hối hận vì đã nhận nhiệm vụ phỏng vấn này. Nó không
còn là một hiện tượng xã hội đơn thuần, câu nói đó của Tiểu Thanh
nếu là thật thì cô ta đã phạm pháp rồi.
Tôi thở ra một hơi lạnh rồi hỏi luôn:
- Đứa con mà cô vứt là vừa sinh ra đã chết non, hay là còn sống?
Bất cứ một công dân nào sau khi được tách khỏi cơ thể người mẹ
thì đều có quyền được sống. Tôi bắt đầu thấy lo lắng cho
người phụ nữ tên Tiểu Thanh, lo rằng cùng với việc phải chịu tổn
thương, cô ấy còn làm tổn thương nặng nề tới bản thân mình.
Trong tai nghe choán đầy tạp âm, sắc nhọn vô cùng. Tôi đang
nghĩ thử điều chỉnh thì chat voice đột nhiên đứt đoạn, trạng thái của
đối phương đã hiển thị “thoát ra” (sign out).
Lần phỏng vấn này tuy chỉ tiến hành trong không đầy năm
phút song tôi lại đờ người trước màn hình rất lâu. Tay sờ ra sau lưng
thì thấy có mồ hôi ươn ướt. Góc phải màn hình đã hiển thị mười hai
giờ đêm. Thời gian này từ trước tới nay luôn tạo cho người ta cảm giác
sợ hãi.