nát, lúc gần kề miệng lỗ, lão lột vứt bỏ nốt. Tác giả đã phải phẫn nỗ kêu
lên: “Hội chợ phù hoa!… Tại đây có một thằng đọc không thông, cũng
không chịu tập đọc… có những thói quen và tính xảo quyệt của một thằng
biển lận, suốt đời chỉ có một lẽ sống là đi lừa vặt thiên hạ, chỉ biết những
sở thích, những tình cảm, những thú vui bần tiện bẩn thỉu; vậy mà không rõ
tại sao hắn có đủ cả địa vị, danh vọng và quyền lực, lại là một bậc tai mắt
trong xứ, một cây cột trụ của nhà nước!… Trong Hội chợ phù hoa, hắn
chiếm một địa vị cao hơn cả những tài năng lỗi lạc nhất hoặc những người
đạo đức trong sạch nhất”.
Tác giả trình bày cho ta rõ nguyên nhân gây ra tất cả những sự sa đọa
của tôn ông Pitt là sự giàu có thái quá.
Chính cái sản nghiệp đồ sộ đã đẩy lão tới thói biển lận và sự trác táng.
Lại cũng chính sự giàu có cung cấp cho lão đủ mọi thứ khoái lạc vật chất
trên đời, cho nên lão không thiết gì đến tôn giáo, mà cũng không thể vươn
tới tín ngưỡng được như Chúa trời đã nói: “Kẻ giàu có muốn lên thiên
đường, khó như con lạc đà chui qua lỗ kim”. Đó cũng là nguyên nhân gây
ra mối mâu thuẫn đặc biệt giữa lão và ông em trai là mục sư Biutơ Crawley.
Suốt đời lão đã tự ý bóp nghẹt tất cả những tình cảm cao quý để thay vào
bằng những dục vọng hạ cấp; nhưng đến khi bị thần bệnh làm tê liệt thân
thể, bất lực không còn hưởng thụ được nữa, lão mới cảm thấy một sự trống
trải ghê gớm xâm chiếm tâm hồn; ấy là lúc phần con người của lão sống
lại: lão bám lấy người con dâu dịu dàng hiền hậu để cố sống lấy một chút
tình cảm đẹp đẽ trước khi từ giã cõi trần, như một kẻ suốt đời làm ác, lúc
hấp hối mới thoáng có một phút ăn năn thành thực.
Nếu Pitt Crawley tiêu biểu cho hạng quý tộc thôn quê ngu dốt, tục tằn và
bần tiện, thì hầu tước Xtên tiêu biểu cho giới đại quý tộc ở triều đình, danh
vọng to, quyền thế lớn, nhưng cũng sa đọa một cách lịch sự hơn, có học
thức, tế nhị và thông minh, nhưng cũng xảo quyệt và tàn nhẫn hơn. Lão là
trụ cột của triều đình, tiền nhiều của nhiều, mà nói đến những dục vọng đê
tiện thì cũng không ai bằng lão.