Tuy cùng chung một thái độ phủ định đối với xã hội đương thời, nhưng đối
tượng miêu tả của hai người khác nhau.
Thackeray khác Dickens ở điểm ít quan tâm nêu những mâu thuẫn giữa
các tầng lớp xã hội đối kháng, cũng như ít chú ý đến vào việc đả kích các
tầng lớp thống trị, và có con mắt quan sát tâm lý thấu đáo hơn.
Khuynh hướng trào phúng nảy nở trong văn học Anh từ giữa thế kỷ 18.
Những người đại diện của khuynh hướng đó là Smolett và Jonathan
Swift
. Đó là tiếng nói phản kháng lại những sự bất công trong xã hội;
khuynh hướng ấy được kết tinh ở Thackeray. Ông đại diện cho tài năng
chân chính bị miệt thị; trong tiếng cười cay độc của ông có phần nào sự
phẫn nộ của quần chúng. Chủ nghĩa hiện thực ở Thackeray mang mầu sắc
luân lý rõ rệt; ông muốn đứng trên quan điểm đạo đức mà soi mói cuộc đời
và rút ra những bài học về cách xử thế.
Chủ đề của Hội chợ phù hoa – như tên cuốn truyện cũng cho ta rõ một
phần – là sự vô nghĩa, sự phù phiếm của cuộc đời, một tấn hài kịch lớn,
trong đó mỗi con người sắm một vai trò mà không tự biết, hoặc một cảnh
hội chợ hỗn tạp, trong đó chỉ toàn là những sự phô trương mua bán, và mọi
thứ đều là những món hàng. Tác giả tự coi vừa là một anh hề sắm vai trò để
mua vui cho thiên hạ, vừa là nhà đạo diễn cô lại hình ảnh của cuộc sống
trong một màn kịch múa rối. Khuynh hướng vạch những nét “mặt trái đời”
toát ra trong toàn bộ tác phẩm từ chương đầu đến chương cuối. Tác giả
muốn rút ra một bài học luân lý; tác phẩm có tính chất như một bài ngụ
ngôn dài. Tất cả những cái gì gọi là cao quý, tốt đẹp, mà thiên hạ hằng khao
khát và thiết tha gắn bó, thực ra chỉ là những chuyện hết sức vô nghĩa, thí
dụ như danh vọng, tiền tài, những cái vẫn gọi là những đức tính, và ngay cả
những tình cảm thiêng liêng như tình cha con, tình bè bạn, tình vợ chồng…
nhiều khi cũng chỉ là câu chuyện khôi hài.
Dưới mắt tác giả, đạo đức vẫn khoác tấm áo thêu kim tuyến lộng lẫy như
cũ, nhưng lật lên chỉ thấy những tình cảm đê tiện trần truồng: sự tính toán
vị kỷ, lòng vụ lợi, thói giả nhân giả nghĩa, tính phô trương rởm đời, sự
lường gạt kèn cựa. Mỗi nhân vật trong tác phẩm tiêu biểu cho một thói xấu,