CHƯƠNG XXII
LỄ CƯỚI VÀ TUẦN TRĂNG MẬT
Kẻ thù dù can đảm, gan góc đến mấy mà bị đói thì cũng phải hàng phục,
cho nên trong cuộc đấu tranh ta vừa miêu tả ở trên, ông Osborne không sợ
đối thủ của mình. Ông tin rằng khi cạn túi, thế nào George cũng đầu hàng
không điều kiện. Kể ra cũng có điều không may cho ông, vì ngay hôm hai
bố con cãi nhau, George đã vớ được món tiền của bố. Nhưng ông già nghĩ
ngần ấy tiền cũng không tiêu được mãi, chẳng qua ngày đầu hàng chỉ lùi lại
ít lâu. Cho nên trong ít hôm, hai bố con không nhìn mặt nhau, ông bố tuy
khó chịu trước sự im lặng của con nhưng vẫn yên trí; bởi vì, như lời ông
lão nói, “kiến trong miệng chén còn bò đi đâu”, ông chỉ cần chờ đợi kết quả
như ông dự tính. Ông có kể lại cho hai con gái nghe chuyện xích mích giữa
hai bố con, nhưng lại dặn thêm đừng chú ý đến làm gì, lại bảo nếu George
trở lại, cứ tiếp đón thân mật như không có chuyện gì xảy ra hết. Đến bữa ăn
vẫn bày bát đĩa của George như mọi khi; ông già hình như có ý nóng ruột
đợi con trai quay về thì phải, nhưng mãi vẫn không thấy mặt anh ta. Phái
người đến tiệm cà-phê Slaughters hỏi thăm thì thấy nói anh ta cùng bạn là
đại úy Dobbin đã rời khỏi thành phố rồi.
Một buổi sáng ảm đạm cuối tháng tư, mưa rơi tầm tã đổ xuống vỉa hè
dẫy phố cổ có tiệm cà phê của lão Slaughters; George Osborne bước vào
tiệm, mặt mày phờ phạc, tái mét, tuy anh ta diện rất bảnh. George mặc một
tấm áo màu xanh nước biển có đính một khuy đồng, ngoài khoác một chiếc
áo gilê bằng da, rất đúng “mốt”. Đại úy Dobbin có mặt trong tiệm cà-phê;
anh ta cũng mặc bộ áo xanh có khuy đồng; tấm áo choàng nhà binh và
chiếc quần màu xám nhạt thường vẫn đeo trên cái thân hình khẳng khiu của
anh ta đã được cất đi. Dobbin ngồi trong quán cà phê đã đến hơn một tiếng
đồng hồ. Anh ta giở hết báo nọ đến báo kia, nhưng không sao đọc được, hết
nhìn đồng hồ có đến hàng chục lần, lại nhìn ra ngoài phố, mưa vẫn rơi tầm
tã, người qua lại nện guốc cồm cộp để lại những cái bóng đen dài trên nền
đá lát bóng loáng. Thỉnh thoảng anh ta lại gõ nhịp lên mặt bàn, hoặc cắn cụt