Ngài ngụ tạm ở đấy trong thời gian vị quý tộc chủ lâu đài vắng mặt ở
nước ngoài. Tiệc xong Becky hát cho đám quan khách chọn lọc nghe. Hầu
tước Steyne cũng có mặt bữa ấy, lão rất hài lòng theo dõi sự tiến bộ của cô
học trò với thái độ che chở.
Tại lâu đài Bình Minh, Becky được tiếp xúc với một nhân vật thượng lưu
phong nhã nhất, và cũng là một chính khách có tài nhất châu Âu, tức là
quận công de la Jabotiere, hồi này ngài đang lãnh nhiệm vụ đại sứ đặc
mệnh của vị Hoàng đế mộ đạo nhất; sau này ngài được Hoàng đế cử làm
thượng thư.
Tôi xin công nhận rằng được cầm bút viết tên của những bậc kỳ tài như
thế, mũi tôi phổng lên vì kiêu hãnh. Tôi lại phải nghĩ rằng Becky quả có
vinh dự được giao tiếp với những con người cao quý biết bao! Cô ta trở
thành người khách quen thuộc của tòa đại sứ Pháp, nơi đây không buổi họp
mặt nào được coi là hoàn hảo nếu bà Rawdon Crawley xinh đẹp không đến
dự.
Các ngài de Truffigny (dòng dõi gia đình Perigord) và Champignac (cả
hai đều là tùy viên đại sứ quán) cùng một lúc bị sắc đẹp của bà vợ ông
trung tá bắt mất hồn; cả hai theo đúng phong tục của nước họ cùng tuyên
bố rằng họ rất “ăn ý” với bà Rawdon xinh đẹp (bởi vì có bao giờ một người
Pháp rời khỏi nước Anh mà không để lại sự khổ sở cho hàng tá gia đình và
không mang theo trong sổ tay của họ khoảng ngần ấy trái tim?).
Song tôi không tin lời tuyên bố của họ là đúng sự thực.
Champignac vốn mê đánh bài xì, tối tối hay ngồi sát phạt với viên trung
tá trong khi Becky hát cho hầu tước Steyne nghe ở phòng bên, còn de
Truffigny thì ai mà không biết. Đố lão dám vác mặt đến tiệm rượu “Người
du khách”, vì lẽ lão nợ tiền cả bọn bồi bàn; ví thử lão không đến được tòa
đại sứ để ăn cơm thì đến chết đói mất. Vậy nên tôi mới ngờ rằng không lẽ
Becky chịu chọn hai vị này để lọt vào mắt xanh làm gì. Hai ngài tha hồ mà
chạy việc hộ cô ta, nào sắm bao tay, nào mua hoa tặng, lại đi vay công lĩnh
nợ mà chuốc vé “lô” rạp Opera mời người đẹp, tìm trăm phương nghìn kế
để lấy lòng mỹ nhân. Họ nói tiếng Anh liều lĩnh một cách đáng phục;