ảo não trên hàng phím, rồi âm thầm khóc trên phím đàn. Bây giờ chiếc
dương cầm chẳng còn phải là tặng vật của George nữa rồi; đối với Amelia
nó trở thành vô giá trị.
Hôm sau, ông Sedley bảo con đánh đàn cho mình nghe, Amelia trả lời
rằng nó bị hỏng nhiều quá mình lại đang nhức đầu không sao đánh được.
Nhưng rồi cũng như mọi khi, Amelia hối hận; cô tự trách mình có thái độ
nhỏ nhen, vô ơn; Amelia thấy mình có tội, vì tuy không hề nói ra với
Dobbin, nhưng trong thâm tâm quả có thái độ rẻ rúng đối với chiếc đàn khi
biết là của anh chàng gửi tặng. Mấy hôm sau, nhân lúc hai người ngồi trong
phòng khách – Joe ăn xong đã ngủ thiếp đi rất ngon giấc- Amelia giọng run
run nói với Dobbin:
- Tôi phải xin anh tha lỗi cho về chuyện này. Dobbin hỏi lại:
- Về chuyện gì thế?
- Về chuyện… chuyện chiếc dương cầm ấy. Từ hồi anh mua gửi cho đã
mười mấy năm nay, khi tôi còn chưa ở riêng, tôi chưa lần nào có lời cảm tạ
anh. Trước tôi vẫn tưởng người khác gửi tặng. Anh William tôi xin cảm ơn
anh.
Amelia đưa tay cho Dobbin nắm, nhưng trong lòng như đứt từng khúc
ruột, và dĩ nhiên nước mắt lại tuôn ra như suối.
Lúc này William không sao kìm giữ lòng mình được nữa; anh ta thổ lộ
can tràng:
- Amelia, Amelia; chính tôi đã mua chiếc dương cầm ấy đấy.Ngay từ hồi
ấy cũng như hiện nay, tôi vẫn yêu Amelia. Tôi phải thú thực hết. Có nhẽ tôi
yêu Amelia ngay phút gặp gỡ đầu tiên… ngay khi George đưa tôi đến nhà
ta để giới thiệu vị hôn thê với tôi. Hồi ấy, Amelia còn là một thiếu nữ, mặc
áo trắng toát, có những búp tóc quăn quăn, vừa bước xuống thang gác vừa
hát… Amelia còn nhớ không?… thế rồi chúng ta đi chơi Vauxhall. Từ ngày
ấy, tôi chỉ mơ tưởng đến một người đàn bà trên đời này, người đó là
Amelia. Suốt mười hai năm nay, quả thực không có một giờ một phút nào
tôi không nghĩ đến Amelia. Trước khi đi Ấn Độ tôi đã đến để thú thực điều