bản chất xã hội những năm 1920, nhưng từ những năm 1930, không còn ai
tìm đọc ông nữa. Năm 1928, ông lập gia đình với nữ bá tước Atalanta
Mercati. Tiểu thuyết cuối cùng của ông, Người Hà Lan bay (Flying
Dutchman), xuất bản năm 1939.
BARNEY Natalie (1876-1972), nhà văn, nhà thơ người Mĩ, sống và làm
việc tại Paris. Ngôi nhà của bà ở 20 rue Jacob, Paris là nơi tụ tập của giới
văn nghệ sĩ trong suốt hơn sáu mươi năm với sự có mặt của rất nhiều nhà
văn danh tiếng. Bà nỗ lực quảng bá cho các tác phẩm của những nhà văn nữ
và sáng lập ra “Viện Hàn lâm Phụ nữ” làm đối trọng với Viện Hàn lâm
Pháp vốn chỉ gồm toàn đàn ông. Nhưng mặt khác, bà vẫn là mạnh thường
quân và là nguồn cảm hứng cho các nhà văn nam từ Remy de Gourmont
cho đến Truman Capote. Bà công khai là người đồng tính và đứng tên thật
trong các bài thơ tình viết cho những người phụ nữ khác. Tác phẩm của bà,
từ tập thơ đầu tiên Quelques Portraits-Sonnets de Femmes đến tập thơ cuối
cùng Poem de Poems: Autres Alliances, cổ xúy cho nữ quyền, phi tôn giáo
và chủ nghĩa hòa bình.
BEACH Sylvia (1887-1962), người Mĩ. Một trong những nhân vật nước
ngoài nổi bật sống ở Paris trong thời gian giữa hai cuộc Thế chiến. Khi là
một thiếu nữ, Sylvia Beach đã sống ba năm (1902-1905) ở Paris trước khi
về lại Mĩ và lưu lạc nhiều nơi khác ở châu Âu. Vào những năm cuối Thế
chiến thứ nhất, bà quay về Paris để học Văn chương Pháp. Tại đây, bà mở
một hiệu sách kiêm thư viện tiếng Anh tên gọi Shakespeare and Company,
tại 8 rue Dupuytren. Hiệu sách nhanh chóng thu hút độc giả Pháp lẫn Mĩ.
Do cần có diện tích lớn hơn, vào tháng năm năm 1921, bà chuyển hiệu sách
về 12 rue de l’Odéon. Hiệu sách trở thành một địa chỉ danh tiếng khi vào
năm 1922 nơi đây đỡ đầu xuất bản kiệt tác Ulysses của James Joyce. Nhưng
chính việc in tác phẩm này cùng với Cuộc đại khủng hoảng đã đẩy hiệu
sách vào chỗ gặp khó khăn về tài chính. Năm 1936, đứng trước nguy cơ
Shakespeare and Company biến mất, André Gide đã lập ra hội Những
người bạn của Shakespeare and Company với sự tham gia của các nhà văn