Trích đoạn 20.
Thế kỷ 17
Viên Hoằng Đạo
PHẢI LÀ CHÍNH MÌNH
[Trong thơ Đường có những người sao chép và bắt chước các nhà thơ vĩ đại
cho đến chết ra sao, thì trong hội họa cái tầm thường của việc “noi theo tiền
nhân” cũng giết chết các ý tưởng mới lạ như thế trong suốt triều đại nhà
Minh (từ giữa thế kỷ 14 đến giữa thế kỷ 17). Mâu thuẫn giữa việc tuân thủ
truyền thống và tinh thần độc đáo mới lạ vẫn luôn luôn tồn tại. Buổi đầu
nhà Minh, Đới Tiến (đầu thế kỷ 15), một thành viên của Họa Viện, đã theo
truyền thống của Mã Viễn và Hạ Khuê nhưng vẫn có dấu ấn riêng của mình,
mà vẫn chết trong nghèo khổ. Thẩm Chu (1427-1509), Văn Trưng Minh
(1470-1559) và Đường Dần (1470-1523) thành danh chỉ nhờ đạt đến hoàn
hảo tinh túy trong phương pháp. Ba danh họa này đã làm cho thiên hạ tranh
nhau tìm mua tranh phong cảnh màu với tông nâu đỏ trầm tĩnh, kín đáo và
cổ kính, cũng hệt như bên phương Tây lúc ấy đang thịnh hành gam màu nâu
đỏ trong tranh vậy.
Nhưng nhìn chung, những nguyên tắc “cổ kính” ấy ngày một đờ đẫn và
cứng nhắc. Giới phê bình và chính các họa sỹ Trung Quốc không lúc nào
dám nghi ngờ hai thứ: một là tiền nhân bao giờ cũng siêu việt với những bí
quyết đã thất truyền, và hai là “cổ pháp” (phép tắc xưa) bắt buộc phải là nền
tảng của sáng tác hội họa. Các bậc thầy vĩ đại đời Nguyên (thế kỷ 13 và 14)
đã làm như họ không tìm hứng khởi ở các bậc thầy đời Đường mà sớm hơn
thế, ở các họa sỹ phong cảnh của thế kỷ 10. Còn Mễ Phi, người sống trong
thế kỷ 11, đã tuyên bố rằng ông không thích hội họa Đường mà chỉ học các
bậc thầy từ các thế kỷ 4 và 5 mà thôi. Nhưng các họa sỹ đời Minh mới thực
là những người sao chép vĩ đại nhất. Mục đích cao nhất của họ là vẽ được
“như Đại Si” (tức Hoàng Công Vọng) hoặc “như Bắc Uyển” (Đổng
Nguyên). Trong khuynh hướng bắt chước tiền nhân này, Đổng Kỳ Xương
có vẻ là một đại diện thành công nhất. Hội họa rất có thể đã trở thành một
nghề làm tranh giả trung thực và có ký tên.