Viện của triều đình đã chẳng viết được điều gì đặc sắc đáng để ta phải để ý.
Những điều họ viết chỉ là công thức cũ lặp lại. Thứ hai, hai danh họa vĩ đại
nhất của thời đó là Hạ Khuê và Mã Viễn thì lại không viết một chữ nào.
Cho nên trong sách này không có bút tích nào của thế kỷ 12. Nhưng không
phải vì thế mà chúng ta bị gián đoạn. Có thể nói không có Hạ Khuê và Mã
Viễn thì không thể có Triệu Mạnh Phủ và Nghê Vân Lâm. Cả Hạ và Mã đều
là các họa sỹ theo “chủ nghĩa sắc thái” một cách nghiêm ngặt. Chất tự do
lãng mạn của Mễ Phi đã trở thành tinh thần của phong cách an tịnh, suy tư
và nhàn tản. Và quả thực là kỹ thuật vẽ đã thay đổi theo tinh thần ấy. Mặc
dù các nét viền của phong cách Bắc Phái (nếu ta vẫn muốn dùng thuật ngữ
vô nghĩa này) vẫn còn đó, nhưng những nét sô đã bị giảm thiểu tối đa. Ta đã
có được một cảm thức về không gian trống vắng. Đá và hình thù của cây
cối dường như hiện ra từ cái không gian trống vắng ấy. Ở Hạ Khuê và Mã
Viễn, cái cảm giác đặc biệt về sự tồn tại sờ thấy lấy được của sự vật được
diễn tả chỉ bằng vài nét bút đặt rất đúng chỗ. Vật chất ở đó, mà cũng không
ở đó. Tất cả chỉ là màu, sắc độ, không khí. Mễ Phi xóa bỏ chi tiết bằng một
bầu không khí bao trùm ra sao thì Mã Viễn và Hạ Khuê cũng xóa bỏ nước
và núi non xa như vậy, chỉ vẽ rất sơ sài, hoặc chỉ gợi ý chứ không mô tả.
Mã Viễn được người đời đặt cho biệt hiệu là “Mã Một Góc”, vì khi vẽ cảnh
Tây Hồ mênh mông ở Hàng Châu, với những rặng liễu và biệt thự ven bờ,
ông chỉ chọn vẽ tập trung vào một góc, còn để trống toàn bộ xung quanh.
Hạ Khuê và Mã Viễn đã cương quyết xuống núi và phát hiện ra rằng những
thung lũng và những dòng sông hiền hòa thân thuộc kia cũng đáng yêu
chẳng kém gì những ngọn núi lạ lẫm nọ. Khái niệm “khí vận” đã luôn luôn
được hiểu là cái ấn tượng về sự sống phát sinh từ nguồn sinh lực sôi động
của chính họa sỹ, đến giai đoạn này đã trở lại với ý nghĩa nên có của nó
trong hội họa, là tâm trạng, sắc thái và không khí trong tranh. Nỗi ám ảnh
về bút pháp và nét sô, vốn đặc trưng cho hội họa Trung Quốc, không hề mất
đi và sẽ không bao giờ mất đi chừng nào người họa sỹ Trung Quốc còn
dùng đến bút lông để vẽ, nhưng nó đã được kiềm chế bớt một cách dung dị.
Thái độ bè phái trong số những họa sỹ thủ cựu Nam Phái, đặc biệt nặng nề
trong các thế kỷ 16 và 17, đã khiến cho Mã Viễn và Hạ Khuê không được