14. Bốn mùa
Cảnh thay đổi theo mùa, mỗi mùa có phong vị riêng, và cảnh cũng thay
đổi theo thời tiết từng ngày nữa. Khi vẽ phong cảnh, phải có lòng trân trọng
những thay đổi ấy. Cổ nhân đã có những câu nói mô tả chúng: “Nét bút mọc
lên cùng với cỏ trên những bờ cát và chúng cùng chạy hòa theo với nước và
mây” (mùa xuân); “Đất luôn luôn nằm dưới bóng râm và không khí mát mẻ
dọc bờ sông” (mùa hè); “Ta nhìn ra mãi xa về phía một đô thành hoang
vắng và cánh rừng bằng phẳng vẫn còn màu xanh sẫm” (mùa thu); “Bút
chạy thẳng về nơi con đường phai nhạt rồi biến mất; mực thật nặng ở nơi
mặt ao lạnh vậy” (mùa đông). Nhưng cũng có những ngày trái mùa, ví dụ
như, “Tuyết cứng nhưng khí trời ấm áp; sắp đến Giao Thừa và ngày mỗi lúc
một dài hơn.” Điều đó ám chỉ người ta thấy ấm áp ngay cả giữa mùa đông.
Rồi lại có những câu như, “Năm cùng tháng tận, ngày rạng sớm hơn; tuyết
vẫn còn đầy mặt đất, trời mưa đã quang tạnh rồi.” Khi áp dụng vào vẽ
phong cảnh, những cảnh trái mùa ấy có thể dùng không những cho mùa
đông, mà cho cả các mùa khác nữa. Có những ngày giữa mưa và nắng, ví
dụ như, “Một dải mây che khuất vầng trăng; tia nắng xiên xiên qua làn mưa
đột ngột.” Có những ngày u ám, như, “Đừng nhầm trời đã nhá nhem, chỉ là
vì đang có dải mây kia dăng ngang khắp chân trời.”
Ta đã nhắc lại những lời ấy như những ý tưởng gợi hứng cho hội họa.
Cảnh bao giờ cũng gợi đến mùa. Mây và núi đều thay đổi. Những lời thơ
được ngâm đọc theo tinh thần ấy cho thấy một bức tranh thường diễn đạt thi
tứ của một bài thơ, còn một bài thơ là thể chất Thiền của một bức tranh vậy.