4. Bố cục
Một sai lầm lớn là bắt đầu một bức tranh mà không có một thiết kế rõ
ràng, chỉ bạ đâu thêm đấy, vừa làm vừa chỉnh, kết quả là những bộ phận
khác nhau không hợp được thành một thể thống nhất hữu cơ. Phải có một ý
đồ chung trước đã, các mảng tranh ở đâu, nối kết với nhau thế nào, đậm
nhạt ra sao, rồi từ đó mới có thể làm cho phần này phát triển từ phần kia, và
các vùng sáng tối mới hợp nhau mà thành nên tranh được. Nhìn kỹ thì mỗi
phần đều có cái thú vị riêng; mà nhìn tổng thể thì là một thống nhất hữu cơ.
Từ trên xuống dưới, tất cả những cánh rừng mù sương và làng mạc trên
đồng ruộng đều có quan hệ với nhau và đều được thống nhất lại với một
chuyển động hoặc dáng dấp chung. Như thế thì cảnh mới đầy đủ mà không
đông đúc, thoáng đãng mà không lỏng lẻo, tự nhiên như tạo hóa sinh ra,
khiến cho nếu có muốn thêm gì bớt gì vào cũng sẽ chỉ làm hỏng bức tranh
mà thôi. Thế gọi là phép bố cục của cổ nhân vậy.
Ý đồ bố cục chung phải quyết định nhanh chóng, nhưng phát triển các
chi tiết thì nên suy nghĩ cẩn thận. Khi phác thảo một bố cục, nên đứng xa
bức tranh để nhìn và bố trí mọi thứ cho vào đúng chỗ của chúng. Có người
dùng phương pháp treo một mảnh lụa lên một bức tường đất gồ ghề và nhìn
những chỗ gồ ghề ấy hằn vào mặt lụa để gợi ý tưởng bố trí núi, sông, chỗ
đông chỗ vắng, rồi dùng phấn đánh dấu phác họa theo. Đây cũng là một
cách thú vị để bố cục tranh.
Trong một bức họa được bố cục kỹ lưỡng, mỗi cái cây, hòn đá, rặng núi,
khoảng rừng, đều ở đúng chỗ tự nhiên của nó, mặc dù chúng đều rất khác
nhau. Nếu không giữ được cách nhìn này, lúc vẽ tất sẽ bị nhiều do dự, lúng
túng trong đầu óc. Và dù có vẽ giỏi thì bức tranh cũng không thể hay được.
Phải thỉnh thoảng để thì giờ nghiên cứu các kiệt tác và quan sát cho kỹ,
ngoài sắc thái màu sắc bút mực ra, còn cả việc bố trí các phần của bức tranh
và cố hiểu cho được tại sao chúng lại phải được bố trí như thế. Còn trong
lúc vẽ, nên luôn cảnh giác nhận định xem cần phải liên kết những gì và
tránh bỏ những gì. Sẽ đến lúc làm được những việc đó một cách tự nhiên,