trung bình phải biết cần cù làm việc để tự tiến. Nếu cứ buông thả theo lối vẽ
lười nhác, vô cốt, mờ mịt yếu đuối thì dù có được coi là Nam Phái cũng
chẳng có mấy giá trị. Còn với loại chỉ chạy theo thời thượng, tưởng mất
thăng bằng là có tính cách mạnh, tưởng kì là tài, thì có khác gì hạng mà
thiên hạ thuê để quét vôi nhà. Hạng ấy làm sao có gì để tự gọi mình là Bắc
Phái?
Tranh từ những thời sơ cổ chủ yếu là chân dung, mô tả việc làm và dung
nhan của những người xuất chúng. Họa luận (lý thuyết hội họa) bấy giờ
không đả động gì đến phong cảnh (sơn thủy). Việc phân chia Nam Bắc Phái
bắt đầu với Vương Duy (Nam) ở một cực và bố con Lý Tư Huấn (Bắc) ở
một cực. Tiếp tục truyền thống của họ Vương (Nam Phái) là Đổng Nguyên,
Cự Nhiên, và bố con Mễ Phi (đời Tống), Nghê Toản, Hoàng Công Vọng, và
Vương Mông (đời Nguyên) và Đổng Kỳ Xương đời Minh. Kế tục truyền
thống của họ Lý (Bắc Phái) là Quách Hy, Mã Viễn, Lưu Tùng Niên, Triệu
Bách Câu, Lí Đường (đều ở đời Tống), và Đới Tiến, Chu Thần ở đời Minh.
Không thuộc phái nào, không Bắc cũng không Nam, thì có Kinh Hạo, Quan
Đồng, Lý Thành và Phạm Khoan (đều ở thế kỷ 10), Ngô Trấn đời Nguyên,
và những người như Thẩm Châu và Văn Trưng Minh – thảy đều là những
mẫu mực sáng giá cho hậu thế. Buổi ban đầu của bản triều (Mãn Châu)
cũng có nhiều họa sỹ giỏi, đặc biệt là Vương Thời Mẫn và Vương Giám.
Sau đó có Vương Huy (Thạch Cúc), Vương Huấn Chi, Hoàng Thuần Cố,
Trương Mặc Tần và những người khác, đều theo bước Đổng Kỳ Xương và
phát triển được phong cách riêng của mình – tất cả đều thuộc Nam Phái.
Còn Bắc Phái thì ít có họa sỹ xuất chúng sau Chu Thần và Cừu Anh. Ngay
cả Ngô Vỹ và Trương Lục cũng chỉ có thể coi là các họa sỹ lẻ loi, chưa nói
gì đến những người kém hơn. Qua hàng trăm năm, phái này đã lụn bại dần.
Vì sao? Vì những nguyên tắc cổ điển đã bị thay thế bằng các lối vẽ mới linh
tinh. Người nào cũng tạo một phái riêng để thu hút đồ đệ. Ví dụ, Ngô Vỹ
khởi xướng phái Vân Kiên, Lam Anh lập ra phái Ngô Lâm (Hàng Châu),
rồi thì Thượng Quan Châu, Tấn Cố Lượng, Lưu Bằng Nguyên và những
người khác thì gọi họ là phái Nam Kinh. Thật là lắm trường nhiều phái.