(C) Những nền tảng của phong cách
10. Tránh thô lậu
Thơ và họa đều là việc của người trí giả, giúp biểu hiện tâm trạng và xúc
cảm. Cho nên cái có thể là chủ đề của thơ cũng là cái có thể là chủ đề của
họa, và cái thô lậu trong tranh cũng giống như một bài thơ tồi vậy. Phải
tránh cho được cái đó.
Có năm loại thô lậu: thô lậu trong tâm trí, trong giọng điệu (sắc thái),
trong không khí, trong bút pháp, và trong chủ đề. Thô lậu ở tâm trí hàm ý
họa sỹ không có ý thức học tập các bậc thầy cổ điển, không có cá tính độc
đáo, chỉ biết vẽ theo thói quen, đơn điệu và vô hồn. Thô lậu trong sắc thái
có nghĩa bức tranh chỉ gồm những vết mực đen trắng không hề bộc lộ chút
vẻ đẹp nào của bút pháp. Thô lậu trong không khí chỉ tình trạng thiết kế bố
cục tầm thường với dụng-mực vụng về và bức tranh bị bầu không khí tối
tăm làm hỏng. Khi họa sỹ theo học các thầy thô lậu, các nét bút nhanh của
anh ta giống như cánh cung đã buông tên và các nét chậm thì như lược cào.
Không có tài, anh ta thích thu hút sự chú ý bằng những thứ tân kỳ choáng
ngợp, hoặc làm những điều phóng dật để khoác áo điên cuồng. Đó là loại
mắc bệnh thô lậu về bút pháp. Lại nữa, tranh vẽ chọn các chủ đề không phải
là các sự kiện lịch sử hoặc các tư liệu tích cực, mà chỉ mô tả những cảnh xa
hoa của hạng cự phú và có thế lực, hoặc các chủ đề không có chất thơ – đó
là thô lậu về chủ đề. Phải bỏ cho được năm thứ thô lậu ấy mới mong có thể
thành một họa sỹ có văn hóa.
Có năm thứ văn hóa thanh cao trong nghệ thuật: cao nhã, điển nhã, tuấn
nhã, hòa nhã, và đại nhã. Cao nhã có nghĩa là một phong cách cổ kính, kiềm
chế mà vẫn tươi mới, không vẩn một chút giả tạo nào. Điển nhã thể hiện ở
bố cục giỏi, nguyên tắc và bút pháp tốt, và các biến thể có đường lối rõ
ràng. Khi thấy một bức tranh vẽ cảnh thung lũng với một vài cây thưa thớt,
với những núi xa và bờ cát hoang vu, những đỉnh núi ẩn hiện và một mặt hồ
thu trong vắt, vẽ rất kiệm mực mà chỗ nào cũng gợi hết được vẻ đẹp của tạo
vật – ấy là bức tranh có tuấn nhã. Khi một bức tranh cho người xem thấy