được một không khí an bình, làm quên hết lòng ham muốn bạo lực – ấy là
hòa nha. Khi họa sỹ có thể kết hợp sức mạnh của nhiều trường phái mà vẫn
có phong cách riêng, không bị mất phẩm giá thanh cao tự nhiên của mình,
ấy là phong cách đại nhã vậy.
Không trừ bỏ được các thô lậu thì đừng mong có được văn hóa thanh
cao. Không thể tự giải phóng khỏi thô lậu chỉ bằng cách suốt ngày ngồi sao
chép các bậc thầy cổ điển như Đổng Nguyên, Cự Nhiên, Nghê Toản và
Hoàng Công Vọng, vì không thể thoát khỏi thô lậu khi tâm trí vẫn còn
vướng bận các giá trị đời thường. Diệt trừ được những vướng bận ấy là
bước đầu tiên trong quá trình tu thân để thành người có văn có hóa vậy.
Cho nên người đã để mai một cái tâm trong sáng ngây thơ thì không nên
vẽ.
Người còn ái mộ xa hoa không nên vẽ.
Người sống cạnh tranh vì quyền vì lợi không nên vẽ.
Người muốn thỏa mãn thị hiếu đám đông không nên vẽ.
Tất cả những hạng ấy chỉ trôi lăn trong cơn lốc của thời thượng, họ chẳng
có chút gì dính dáng đến văn hóa thanh cao.
Họa sỹ phải tha thiết hết lòng cho hội họa, không để các giá trị đối chọi
của thế gian vướng vào mình, kéo mình xuống thấp.
Họa sỹ phải biết đắm say, chẳng cần thế gian mà cũng chẳng để mình bị
thế gian làm thương tổn.
Họa sỹ phải nghèo. Thế gian chỉ làm mình khó chịu, thì mới có tự do
theo đuổi văn hóa.
Họa sỹ phải uyên áo, tự nguyện xa lánh thế gian để có thể hoàn thiện
mình.
Người muốn tránh thô lậu phải đọc thật nhiều và am hiểu triết học. Lúc
đầu, triết học sẽ tẩy rửa tâm can họ, rồi thì họ chỉ còn biết có triết học. Họ
phải phấn đấu thanh lọc cho hết những vướng bận lo lắng thô lậu trong tâm
mình. Nếu có chút dấu hiệu nào của thái độ vô tâm giả tạo hoặc tâm trạng