gió theo cọp, cho nên thuở xưa, người nào lấy biệt danh Tùng Hổ thì biết người ấy tên là Phong. Tôi
tên Vân cho nên lấy bút danh Tùng Long. Và khi ký bút danh này, tôi thấy không trùng với ai, cho nên
tôi dùng luôn đến nay.
- Thưa bà, nếu vậy hai từ Tùng Long cũng đủ, sao bà còn thêm từ Bà phía trước?
Bà Tùng Long lại cười:
- Vì ký bút danh Tùng Long, tôi sợ độc giả hiểu lầm tôi là đàn ông, nên tôi thêm chữ Bà vào để
phân biệt. Lúc đầu tôi nghĩ là dùng tạm một thời gian, nhưng về sau tôi thấy cũng nhiều người dùng từ
Bà trước bút danh, chẳng hạn như Bà Đạm Phương. Hồi còn trẻ, bà Đạm Phương thường dùng bút
danh Đạm Phương nữ sĩ, và bà Tương Phố cũng dùng bút danh Tương Phố nữ sĩ.
Hồi ấy cũng có một bà Đông y sĩ xưng danh là nữ sĩ Phan Thị Bạch Vân, đồng thời các vị mày râu
khi viết bài về phái nữ, cũng ký Huỳnh Hoa nữ sĩ, Ngọc Lan nữ sĩ... Riêng tôi, không dám tự hào là
nữ sĩ, nên tôi không ký Tùng Long nữ sĩ.
Hơn nữa, trong thời gian tôi còn dạy học ở Quảng Ngãi và khi vào Sài Gòn, tôi có viết bài để dạy
học mà bây giờ gọi là giáo án, hoặc dịch vài bài thơ Pháp đăng báo, tôi cũng thường ký bút danh Bà
Tùng Long, chủ đích để cho độc giả khỏi lầm tôi là đàn ông, đồng thời tôi cũng nghĩ rằng mình chỉ là
nhà giáo dục, chớ không phải nhà văn. Chẳng hạn như bà Stael và bà Maintenon bên Pháp, lúc nào
cũng ký dưới bài báo và những cuốn sách của mình viết về các vấn đề giáo dục các thiếu nữ, là
Madame Stael, Madame Maintenon. Rồi về sau trong văn học sử Pháp cũng ghi bút danh của các bà
ấy với từ Madame đứng trước bút hiệu.
Còn tôi, trong các mục Gỡ Rối và Giải Đáp, tôi ký Bà Tùng Long là để gần gũi với phái nữ. Vả
lại, như vậy các nữ độc giả sẽ tin cậy và dễ bộc lộ tâm tình hơn là chỉ ký Tùng Long, họ có thể nghĩ
lầm tôi là phái nam thì họ sẽ ngần ngại khi muốn bộc lộ tâm tình. Chỉ đơn giản có vậy thôi.
- Thưa bà... yêu văn chương từ thuở nhỏ, lẽ nào bà đã thật sự gác bút?
- Cảm ơn anh đã rất hiểu tôi. Thật sự thì hiện nay hàng ngày tôi vẫn viết, khi thì những đoạn hồi ký,
khi lại là những cảm xúc bất chợt trước những sự việc xảy đến hàng ngày, những con người vừa gặp
gỡ... Cũng có khi đó là một đoạn văn tôi viết về một người bạn, một đứa cháu... Viết là niềm vui lớn
nhất đời tôi.
[1]
Bài viết đã được đăng trên Nguyệt san Văn Hóa của Bộ Văn hóa Thông tin, số tháng 11-1994,