Phảng phất hương trà cũ
Nguyễn Đức Lập
Tôi không thể nhớ chánh xác được là tôi bắt đầu thích uống trà vào lúc nào. Điều có thể xác quyết
được là tôi bắt đầu làm quen với trà từ hồi tôi còn học tiểu học. Tôi quen với trà vì thầy tôi uống trà.
Gia đình tôi, theo tập quán bên nội, con cái gọi cha bằng “thầy”.
Thầy tôi uống trà một ngày hai cữ, sáng sớm mới thức dậy và buổi xế, khoảng hai giờ. Thầy tôi có
thói quen hay sai và sai theo kiểu “thấy mặt đặt tên”. Khi cần một điều gì đó, ông đảo mắt ngó quanh,
đứa con nào lớ ngớ trước mặt ông, đứa đó lãnh đủ. Có một lần, ông đi đâu đó, đem về một cây bông
nguyệt quới. Ông tìm chỗ hạ thổ cho cây, trên cái sân trước rộng không đầy hai chiếc chiếu. Đám xây-
lố-cố trong nhà tò mò bu lại coi. Sáu đứa cả thảy chớ ít ỏi gì sao, hai gái bốn trai. Vậy mà không đủ
cho ông sai. Đứa nầy chạy đi mượn cây cuốc. Đứa kia vô nhà lục lạo kiếm cái bay. Đứa nọ xách cái
ky vô bếp lấy tro. Đứa khác thì kiếm xô xách nước... Sáu đứa chạy như cờ lông công. Cây nguyệt quới
trồng xong, ông xoa tay sung sướng, tuy rằng từ đầu tới cuối, ông không mó tay vô một chuyện gì hết,
ngoài việc rước cái cây bất nhơn đó về nhà.
Lần đó, má tôi phải nói:
- Chắc tôi phải đẻ thêm chừng mười đứa nữa cho ông sai mới đủ.
Thầy tôi, như vậy đó, đụng ai sai nấy, thấy đâu sai đó, nhưng có một việc không bao giờ ông sai
con gái. Đó là việc hầu trà. “Nam trọng nữ khinh” chăng? Tôi không biết. Nếu thiệt phải như vậy,
“trọng” theo kiểu đó, không sướng ích cho đám con trai tụi tôi một chút nào.
Hầu trà phải hầu từ đầu chí cuối, từ tráng bình, lau chén, dọn khay, cho tới chẻ củi nhúm lửa, quạt
than nấu nước, đâu đó xong xuôi mới thỉnh “ngài” ra “ngự”.
Chừng đó lệ bộ mà đâu đã xong, còn phải kiếm chỗ đứng xớ rớ, hay ngồi ké né một bên, để còn
nhận thêm nhiều “công tác” vặt vãnh khác nữa như lấy đóm cho thầy tôi hút thuốc lào, rượt đập mấy
con ruồi làm thầy tôi khó chịu. Nhứt là phải có mặt ở đó để nghe khen hoặc chê về công việc sửa soạn
bữa trà, thường thì chê nhiều hơn khen:
- Nước chưa sôi sao mầy đã xách lên?