Khách đến thăm thầy tôi, nói theo giọng kiếm hiệp, là những “giang hồ dị sĩ”, hoặc là những tao
nhơn mặc khách đương thời, cũng có khi là những chánh trị gia đang có ngôi có vị.
Những lúc như vậy, công việc hầu trà có mòi bận rộn hơn, nhưng không bao giờ tôi cảm thấy bực
dọc khó chịu.
Thằng trà đồng khoái hóng chuyện các bực trưởng thượng. Cái ý niệm học hỏi hồi đó, chắc chưa
có, chỉ là tò mò muốn biết chuyện người lớn. Và, nhờ tò mò, gã trà đồng biết được nhiều người, nhiều
việc thiệt.
Thầy tôi có thói quen, khách nào tới nhà, cũng biểu anh em tụi tôi gọi bằng chú. Có nhiều ông, hình
như lớn hơn thầy tôi nhiều tuổi, vẫn bị kêu oan mạng bằng chú như thường. Chỉ trừ có hai người, tụi tôi
phải kêu bằng bác. Đó là ông Tạ Nguyên Minh và ông Nhà Nam. Hai ông bác nầy, cho tới ngày nay,
tôi vẫn còn nể phục.
Ông Tạ Nguyên Minh, người nẩm thấp, có hơi nới về bề ngang, da đen, mắt sáng, râu rậm, dài
suông đuột tới lưng chừng nửa ngực, tiếng nói lớn và ngân như tiếng chuông. Ở trong quyển Thi Nhân
Việt Nam của Hoài Thanh - Hoài Chân, có ghi tên thiệt của bác là Tạ Nguyên Hối, có đăng hình của
bác hồi còn trẻ, râu chưa rậm và dài như hồi bác tới nhà tôi. Bác và thầy tôi là bạn đồng chí với nhau
vào cái thời bôn ba chống Pháp.
Theo thầy tôi nói lại, bác Tạ Nguyên Minh là một nhà cách mạng lão thành, suốt cuộc đời, một lòng
tận tụy cho dân cho nước. Có thời bác đẩy xe mì, bán ở Hàng Châu, chịu nghèo, chịu khổ để hoạt động.
Có lúc, bác tựa vào Quốc Dân Đảng Trung Hoa để tìm thế đánh Pháp. Bác trở thành một cố vấn cho
Tổng thống Tưởng Giới Thạch. Sau năm 1954, bác xin với tổng thống họ Tưởng, rời Đài Loan về
miền Nam, mong đem hết chuỗi ngày còn lại phục vụ cho nước nhà. Về tới Sài Gòn, bác bị chánh
quyền Ngô Đình Diệm bắt giam và chỉ được thả sau khi cuộc chánh biến 1-11-1963 xảy ra.
Mỗi lần bác tới nhà tôi, bác và thầy tôi ngồi bên khay trà, trao đổi với nhau về những kỷ niệm cũ,
về những đắc thất của cuộc đời, về những nhơn vật, những sự kiện đã và đang xảy ra.
Chao ơi, nếu tôi nhớ hết được nội dung của những câu chuyện nầy, ích lợi chắc chắn là hơn sách
trăm pho, hơn mười lăm năm miệt mài ở ghế nhà trường.
Lớp người trước, yêu nước như vậy, chịu gian nan như vậy, mà bầu nhiệt huyết lúc nào cũng hừng
hực như lửa cháy rừng, từ thuở tóc xanh, chí ư tới hồi tóc bạc. Thời ư? Thế ư? Mệnh ư? Sao chí sĩ
phải ngậm hờn?
Còn bác Nhà Nam, tôi không biết tên thiệt của bác là gì. Bác người Nghệ An, tướng tá cao lớn,