sừng sững, da hơi đen, nét mặt hơi thô, có vẻ quê mùa. Bác nói rổn rảng, giọng Nghệ đặc sệt. Bác có
một tiệm may ở góc đường Amiral - Courbet, sau nầy là đường Nguyễn An Ninh, đối diện với cửa
Tây chợ Sài Gòn. Tiệm của bác chuyên may âu phục, nhưng về phần bác, lúc nào cũng vậy, dù ở ngoài
đường, dù ở trong nhà, bác luôn mặc một bộ bà ba trắng, đôi khi màu trắng ngả qua màu cháo lòng,
hình như bác có ăn trầu. Bộ dạng của bác, cách phục sức của bác, rõ ràng bác là một ông già nhà quê.
À, bác còn mang một đôi guốc mộc làm bằng gỗ cây vông nữa chớ.
Lúc đầu, tôi có vẻ không kính nể lắm đối với ông lão nhà quê nầy. Tuy rằng, thầy tôi, đối với bác
Nhà Nam cực kỳ kính trọng. Đề cập tới bác Nhà Nam, tôi gọi bác là “Ông già Ba Tri”, mặc dù quê
bác ở cực bắc miền Trung, không có liên quan gì hết tới xứ dừa Bến Tre.
Má tôi rầy:
- Bác Nhà Nam là một nhà cách mạng lỗi lạc trước kia. Bây giờ, thời thế không thuận, bác đi làm
thợ may độ nhựt. Con phải kính trọng bác như thầy.
Theo thầy tôi cho biết, đối với bác Nhà Nam, thầy tôi mang ơn nặng. Ngày xưa, khi còn bôn tẩu
xuôi ngược trên đường cách mạng, thầy tôi bị bịnh nặng, mê man bất tỉnh, tiểu tiện không hay, chánh
một tay bác chăm sóc cho thầy tôi, cả những việc dơ dáy, bác cũng không từ. Nhờ bác mà thầy tôi sống
được. Bác đã gặp cảnh thời thế không thuận, chịu đắng cay làm một người thợ may già. Bác mong thầy
tôi lập nên sự nghiệp. Nhưng, thời thế cũng đâu có thuận đối với thầy tôi. Lớp Nho gia nhiệt thành yêu
nước, lớp chết, lớp lê kiếp sống tàn. Thảm!
Trên đây là hai vị “kỳ nhơn”, còn “dị sĩ” mà tôi đã hầu trà, nhiều vô kể. Tôi chỉ còn nhớ được có
mấy mạng thật là đặc biệt, như chú Năm Ung Văn Cầu ở Tây Ninh, chú Thanh Phong người Nghệ, chú
Điển Võ ở đâu miệt Châu Đốc, Thất Sơn, chú Nguyễn Xương Thái ở Quảng Nam, chú Hoàng ở Quảng
Ngãi...
Chú Năm Ung Văn Cầu, người gốc Quảng Ngãi, nhưng hành nghề làm thuốc và cư ngụ ở Tây Ninh.
Người chú roi roi, ốm ốm, khắc khổ, chuyện trò thì hay nói pha lửng cầu vui. Mỗi tháng chú ghé nhà
tôi một lần nhơn tiện từ Tây Ninh xuống Chợ Lớn mua thuốc Bắc. Mỗi lần chú tới, anh em tụi tôi vui
ghê gớm. Bởi vì, không bao giờ chú tới tay không. Lần nào chú cũng tay xách nách mang đủ thứ quà,
nào bánh, nào trái, nào thịt quay, phá lấu. Một món không bao giờ thiếu là hai cái chưn trước của con
heo quay vàng. Giò heo, mà lại là giò trước, là món khoái khẩu của thầy tôi. Nói về thịt heo, thầy tôi
thường nhắc: “Toàn thân đô thị nhiệt, duy hữu tứ đề lương” (Toàn thân con heo ăn vô sẽ bị nhiệt, chỉ
có bốn cái giò là hiền). Ăn ở như chú thiệt là hết tình, món mà thầy tôi thích, chú không bao giờ quên.
Tụi tôi gọi chú một cách thân mật là chú Cầu. Trong khi ở trên Tây Ninh, dân ở chợ và ở chung