nói chú uống theo kiểu “ngưu ẩm”, uống như trâu. Đối với chú, trà nào cũng giống nhau. Thiết Quan
Âm, Long Tỉnh, Ô Long, Liên Thái gì cũng là trà hết. Thầy tôi sửa câu “thực bất tri kỳ vị”, nói chú là
“ẩm bất tri kỳ vị”, chú cãi:
- Anh cứ đem đủ một chục thứ rượu ra đây, coi em có “tri kỳ vị” hay không cho biết.
Chú Điển Võ hay ngâm thơ và thường giảng những điển tích trong thơ cho tôi nghe. Còn chú Thanh
Phong thì có vẻ trẻ trung hơn, hay bông đùa với tôi hơn, nhưng chú nói thì chú hiểu, giọng Nghệ đặc
sệt, trọ trẹ, tôi nghe không ra.
Má tôi dặn hai chú:
- Một chú là Thanh Phong, một chú là Điển Võ, hai chú nhớ đừng bao giờ đạp đất nhà tôi vào
mồng một Tết nghen.
Chú Hoàng gốc Quảng Ngãi, nhưng sống ở Huế, vô nhà tôi có một lần mà tôi nhớ đời. Mặt mày
chú, thân hình chú không có gì đặc biệt, ngoài một cánh tay bị cưa cụt tới tận nách. Đó là kết quả của
một thời chống Pháp.
Hồi trước, chú và thầy tôi cùng ở Liên khu 5. Sau, chú ra Huế. Ngồi uống trà với thầy tôi, chú vừa
khóc vừa ngâm bài thơ mà thầy tôi ứng khẩu tặng chú, khi đưa chú đi Huế:
Anh đi về ngoài nớ
Tôi ở lại trong ni
Mừng anh, tôi tiễn anh đi
Anh đi, tôi lại nằn nì xót xa
Gió mây khóa kín sơn hà
Ô kìa! Cái én dời nhà về đâu?
Về đâu, nhắn hộ đôi câu
Rằng đây khách sẽ bạc đầu tương tư...
Trong bài thơ, thầy tôi gọi chú bằng anh, nhưng lúc xưng hô, lại gọi chú bằng em. Thiệt khó hiểu
quá trời!
Rắc rối nhứt trong chuyện xưng hô là đối với chú Nguyễn Xương Thái. Chú Thái, người Quảng