Tôi chợt nhớ tới chú Hoa Đường. Chú người Quảng Ngãi, vừa học Nho, vừa học Tây. Chú vô Sài
Gòn làm báo. Cha chú là một nhà Nho cách mạng, bị Tây bắt ở quê. Với danh nghĩa nhà báo, chú về
Quảng Ngãi vận động cho cha được thả.
Cụ Minh Viên Huỳnh Thúc Kháng, lúc đó đang ở Quảng Ngãi, phàn nàn cha của chú về việc nầy.
Cụ coi là một việc không chính đính. Cha của chú úp mặt vô thau nước chết để bày giải nỗi lòng.
Chú trở về lại Sài Gòn, rồi ẩn cư ở Mỹ Tho. Trong một lần lên thăm thầy tôi, chú đã dạy cho tôi
bài thơ của chú:
XUÂN THỜI GIAI TIẾT
Nhìn trời xuân, chi xiết nỗi hoài xuân
Bông bạch mai trắng điểm đã bao lần
Lá lục liễn khoe tân chừng mấy độ
Trời đã ghét ghen người má đỏ
Xuân không chờ đợi kẻ mày xanh
Líu lo oanh mừng bạn hót trên cành
Thơ thẩn khách đầu xuân khoanh tấc dạ
Xuân hứng, xuân ngâm, ai đó tá
Để mình ai lã chã giọt tương tư
Tìm đâu cho được nụ cười...
Hồi đó, sống ngay trên quê hương mà chú Hoa Đường không tìm được một nụ cười giữa mùa xuân.
Nụ cười nầy, trên đất khách, tôi tìm ở đâu bây giờ?
Tôi cũng muốn nhắc tới chú Ngu Í Nguiễn Hữu Ngư. Chú hay tới nhà tôi. Chú không thuộc vào loại
khách mà mỗi lần tới thầy tôi phải bày một bữa trà riêng. Thầy tôi nói chú như em trong nhà. Có khi
thầy tôi tiếp chú ở phòng khách, có khi ở giường ngủ. Chánh chú, chú cũng tự coi như người trong nhà
tôi. Không là người trong nhà sao được? Chánh thầy tôi đứng cưới vợ cho chú, chị Thoại Dung, ở
Quảng Ngãi, hồi “chín năm” kia mà.
Chú Ngư tánh khí không bình thường, nếu không muốn nói là khùng, ba trợn. Chú là con của cụ