Nguyễn Hữu Hoàn, một nhà Nho cách mạng trong phong trào Duy Tân, ở Hàm Tân. Năm 1945, chú
đeo ba lô đi bộ trên đường thiên lý từ Nam ra Bắc, dừng chưn ở Quảng Ngãi, gặp thầy má tôi. Ở đây,
chú lên cơn điên, lấy phân bôi lên hình Hồ Chí Minh. Chú bị bắt, nhưng vì điên, Việt Minh không làm
gì chú được, phải thả. Ở Quảng Ngãi, lúc đó, có trường mẫu giáo Tơ Vàng. Cô giáo là chị Thoại
Dung. Chị dạy cho con nít vừa hát vừa múa bài “Một ngón tay nhúc nhích”. Chị nhìn ra cửa sổ, thấy
một thanh niên vừa hát vừa múa theo. Người thanh niên ấy là chú Ngư. Mối tình của hai người bắt đầu
từ đó. Má tôi có cho chị Thoại Dung biết cái tánh khí thất thường của chú Ngư. Chị Dung nói chị quyết
hy sanh một đời để xây dựng hạnh phúc cho người yêu.
Tại sao tôi lại kêu chú Ngư là chú, mà vợ chú tôi lại kêu bằng chị?
Là vì chị Thoại Dung là bạn của chị Hai tôi, chị Tú Anh. Một, hai, chị Thoại Dung cứ bắt tôi kêu
chị bằng thím, cho tương xứng với chú Ngư. Nhưng chị Hai tôi căn dặn:
- Thoại Dung là bạn của chị. Em kêu Thoại Dung bằng thím, thì chị phải kêu Thoại Dung bằng cái
gì?
Chú Ngư vừa dạy học, môn Sử Địa, vừa viết báo, tạp chí Bách Khoa. Chú chơi trò lập dị, chữ “y”
không xài, xài chữ “i”. Bởi vậy, họ chú là Nguyễn, chú viết thành Nguiễn, bút hiệu chú là Ngu Ý, chú
viết thành Ngu Í. Viết như chú, Thanh Thúy thành Thanh Thúi, Thụy Du thành Thụi Du mất.
Chú không mơ tưởng công danh nhưng lòng chú quặn thắt theo thời cuộc, chú khóc uất hận, chú
cười mất trí theo vận nước.
Người chú ốm nhom ốm nhách, tóc chú hớt cao, da chú xanh lướt, chú đeo kiếng trắng, chú cỡi
mô-bi-lết xanh. Có bữa chú ôm thầy tôi mà khóc. Có bữa, đang uống trà, chú cười sằng sặc, nói thời
thế nầy, má tôi không nên viết nữa. Sau đó, chú len lén lấy hết mấy cây viết của má tôi. Tới chừng chú
về rồi, má tôi mới biết viết bị mất.
Chú ôm lòng nhiệt huyết từ hồi mười tám, hai mươi, vượt đường vạn lý đi kháng chiến. Chú ôm
hận ở lứa tứ tuần. “Tứ thập nhi bất hoặc” mà lòng chú vẫn ngổn ngang trăm mối.
***
Sau nầy, bè bạn của thầy tôi thỏn mỏn lần. Lớp thì chết như bác Nhà Nam, chú Năm Cầu, chú
Thanh Phong; lớp thì già quá rồi, đi lại chắc khó khăn. Mà, thầy tôi cũng già rồi.
Từ trà đồng, nhờ thời gian, tôi được ngồi trước mặt thầy tôi trong những bữa trà. Má tôi nhường vị
trí cho tôi để ngồi bên cạnh thầy tôi.