- Thưa thầy, sôi rồi. Con nghe nó kêu đàng hoàng.
- Cái đó là mới kêu ấm thôi. Hiểu chưa? Xách xuống nấu lại cho sôi đi.
- Vậy thì... chừng nào nó... sôi?
- Phải coi ở miệng vòi. Chừng nào có hơi nước phun ra ở đó thì nước sôi...
Hoặc là:
- Sao mầy để nước sôi lâu quá vậy nè?
- Thưa thầy, để sôi lâu cho chắc ăn.
- Không được, hễ nước vừa mới sôi là phải xách lên liền. Nhớ chưa!
Tôi bắt đầu hầu trà cho thầy tôi vào năm tôi học lớp Nhứt trường Trương Minh Ký, mỗi ngày hầu
một cữ vào buổi xế. Cữ buổi sáng tôi mắc đi học, anh tôi đảm nhận.
Thường, thầy tôi không uống trà một mình. Bao giờ cũng phải có má tôi ngồi đối diện. Bên khay
trà, hai người đối xử với nhau như khách quí. Thầy tôi đích thân pha trà. Việc nầy, thầy tôi cho rằng
không sai ai được. Trà, sau khi rót từ bình qua chén tống, chuyển từ chén tống qua chén quân, thầy tôi
trân trọng cầm một chén đưa ra trước mặt má tôi. Má tôi đưa tay đỡ lấy, cũng trân trọng không kém.
Trước khi uống, má tôi có thói quen đưa chung trà lên sát mắt, cho hơi nước bốc vào mắt.
Uống xong, má tôi nhẹ nhàng để cái chung xuống trước mặt. Thầy tôi vói lấy cái chung, lại rót, lại
trao... Cái câu “tương kính như tân”, những lúc đó, mới thấy thiệt hay, thiệt đẹp.
Độ trà thường kéo dài nửa tiếng đồng hồ. Trong lúc thầy má tôi uống trà, thỉnh thoảng, tôi cũng
được “ban” cho một chén, mà chỉ từ nước thứ ba trở về sau. Tôi quen với trà từ đó.
Đặc biệt, tôi để ý, trong cuộc trà, thầy và má tôi ít khi bàn chuyện thế sự, thời cuộc hiện tại, mà chỉ
cùng nhau ôn lại quá khứ với những khuôn mặt cũ, với những việc làm cũ...
Ngoài những buổi trà có giờ giấc nhứt định, thường xuyên đó, thầy tôi còn có những bữa bất
thường. Đó là những dịp thầy tôi có bạn tới thăm, có thể là những bạn mới, có thể là những cố nhơn lâu
năm cách biệt.
Đây là những bữa trà đem đến không biết bao nhiêu là thích thú và ích lợi cho tôi, ích lợi cho tới
ngày giờ nầy và chắc còn ích lợi nhiều nữa về sau.