Trong sinh nhật năm mẹ 90 tuổi, có một người khách thật đặc biệt, nhỏ hơn tôi vài tuổi. Anh là Tạ
Hùng, làm việc trong quân đội, thỉnh thoảng vẫn đi nhậu với thầy cũ của anh là nhà văn Đoàn Thạch
Biền. Khi tình cờ biết anh Biền sắp đi dự sinh nhật mẹ tôi, anh mừng rỡ không ngờ Bà Tùng Long còn
ở đây và lại quen thầy mình, xin tháp tùng và vác theo một cái khánh vàng to, với hàng chữ đại ý:
“Chúc mừng sinh nhật Bà Tùng Long, người mà 50 năm trước đã giúp cho tôi được chào đời”. Thì ra
ngày xưa mẹ anh gặp một sự cố trong chuyện tình cảm, viết thư nhờ mẹ tôi gỡ rối tơ lòng trong tâm
trạng chán chường tuyệt vọng và có ý muốn phá bỏ mầm sống đang mang trong người. Mẹ tôi trả lời
trên báo, khuyên mẹ anh “hãy cứ yêu đời mà sống” và phải giữ lấy đứa con. Nhờ vậy anh được chào
đời! Mẹ anh còn nhớ mãi chuyện đó và kể anh nghe, bảo anh phải mang ơn con người mà anh chỉ nghe
tiếng chứ chưa từng biết mặt đó.
Gỡ Rối Tơ Lòng là một mục đinh hấp dẫn - có thể nói chính mẹ đã khai sinh ra - trên các báo
Sàigòn Mới, Tiếng Vang, Phụ Nữ Ngày Mai, Phụ Nữ Diễn Đàn hồi xưa. Thật ra trong hồi ký của
mình, mẹ cũng nói mẹ chỉ có ý tưởng mở mục này theo mẫu của các mục trên các báo Pháp, nhưng
không ngờ thu hút sự chú ý của bạn đọc đến vậy (nhiều người đến nay vẫn còn nhớ tên mẹ tôi chính là
từ mục này hơn là những tiểu thuyết của bà). Tôi còn nhớ bạn đọc ngày xưa thật lạ. Thỉnh thoảng lại có
những người tìm đến tận nhà mẹ, nói lời cảm ơn và tặng mẹ những món quà nho nhỏ, như xấp vải may
áo dài, trái cây, bút viết... Thường thì họ đi cả hai vợ chồng, cảm ơn mẹ vì mẹ đã gỡ rối và giúp họ
tìm lại hạnh phúc gia đình. Có người xin được gọi mẹ bằng mẹ và lui tới suốt một thời gian rất lâu,
mãi tới 1975 mới vắng bóng hẳn...
***
Trong những trang cuối của nhật ký, mẹ viết: “Lúc này mệt quá rồi... Mình như một áng mây
[4]
bay
xuống chơi với cuộc đời này, chắc sắp tới lúc bay lại về trời...”. Và 5g15 chiều ngày 26-4-2006 là lúc
mẹ bay đi.
Tôi ngồi bên mẹ hồi lâu, cầm mãi bàn tay gầy guộc lạnh giá đã từng dắt anh chị em tôi đi đến
trường, đi bác sĩ, đi mua giày dép quần áo mới mỗi đầu năm học, đi mua sách vở và đồ chơi... Tôi
nhớ lại không hết những điều tuyệt diệu mà mẹ trao tặng chúng tôi không chút suy nghĩ. Tôi hối tiếc vì
mình không đáp trả được bao nhiêu cho mẹ. Tôi đau đớn vì bất lực trước cái chết của người thân thiết
nhất đời mình, dù đã làm hết cách có thể. Mẹ bỏ con đi, đường xa vạn dặm...
[5]
. Từ nay “Mèo con” đã
mất “Mèo mẹ” rồi, còn ai để tôi chạy về nằm kề bên gối tìm lấy sự yên bình tuyệt đối sau mỗi chấn
thương của cuộc đời?