Tôi viết bài này vào đúng ngày 14-5-2006, Ngày
của Mẹ (Mother’s Day). Tôi đã chảy nước mắt khi
viết, vì nhớ mẹ tôi. Ai cũng an ủi tôi, nói rằng mẹ
tôi như vậy đã quá thọ. Nhưng theo tôi, sẽ không có
đứa con nào trên đời nghĩ rằng cha mẹ mình đã
quá thọ, vào cái ngày phải vĩnh biệt.
Trước ngày mất mẹ, tôi đã viết được khoảng 100
truyện ngắn và 5 truyện dài, trong vòng 27 năm.
Những con số mà vài bạn bè khen ngợi, do biết
hàng ngày tôi còn là một nhà báo làm việc “bận
như có con mọn” ở tòa soạn một tờ báo lớn. Thế
nhưng bạn có biết mẹ tôi đã viết được bao nhiêu
trong 40 năm? Gần 400 truyện ngắn và hơn 60
truyện dài! Tôi viết ít, “giải trí” nhiều. Mẹ tôi, trừ
hai buổi sáng trưa ngồi hầu trà với ba tôi và
khoảng vài chục phút đọc báo, nghe đài, xem tin
tức trên tivi, hầu hết thời gian hoạt động trong
ngày đều dành cho việc phục vụ chồng con và viết
lách. Đôi khi, thật lòng, nghĩ tới mẹ, tôi lại thấy
xấu hổ. Và chính mẹ chứ không ai khác, mẹ biết
không, đã là tấm gương soi, là lời động viên con
tiếp tục công việc nhọc nhằn này…
Tôi và mẹ, sinh nhật mẹ 2005 - một năm trước
ngày mẹ mất. Lúc ấy tôi đã biết “ngày tôi xa mẹ
càng gần…”.
Ảnh: Quỳnh Nguyễn.
[1]
Mãi tới năm 1992, 77 tuổi, mẹ mới được đứa em út ở Đức của tôi rước qua Pháp, Hà Lan, Thụy
Sĩ và Đức chơi. Đứa con nào cũng biết mẹ mơ đi Pháp từ thuở nhỏ vì đã học chương trình Pháp,
nhưng cả đời lao động của mẹ, mẹ đã gác ước mơ đó lại, thậm chí không dám bỏ ra một ngày để đi
chơi.
[2]
Thể loại truyện dài nhiều kỳ viết từng ngày để đăng báo.
[3]
Hồi ký Bà Tùng Long, do NXB Trẻ và Công ty CPVH Phương Nam ấn hành, năm 2003.
[4]
Tên thật của mẹ là Lê Thị Bạch Vân.
[5]
Đường xa vạn dặm, ca khúc của nhạc sĩ Trịnh Công Sơn viết sau khi thân mẫu của anh qua đời.