chặn lại từng đợt bằng những viên thuốc con nhộng Dectancyl (Corticoide) - sau này đã để lại hậu quả
nặng nề trên xương khớp tôi. Mẹ hay nhắc chuyện khi sinh tôi ra không hề nghe khóc. Bà mụ vườn báo
là có một cái bao mỏng bọc kín từ vai lên đầu tôi, phải lấy ngón tay lựa thế móc vào chỗ miệng để xé
ra, lúc đó mới khóc được. Mẹ nói tưởng “đẻ bọc” hay ho gì, đâu ngờ èo uột khó nuôi quá, phải biết
vậy... khỏi đẻ! Chín đứa con, duy nhứt mình tôi cùng tuổi Mão với mẹ. Có lẽ vì bệnh nhiều, được mẹ
chăm sóc nhiều, nên tôi là đứa luôn quấn quýt bên mẹ, luôn miệng nịnh “Mèo mẹ, mèo con...” mỗi lần
muốn xin xỏ gì đó.
Trong mấy cuốn nhật ký mẹ tôi để lại (mẹ vẫn còn thói quen viết nhật ký cho đến trước khi ngã
bệnh nặng đợt cuối), chúng tôi đọc và thấy mẹ thương chúng tôi quá, hầu như ngày nào cũng thấy nhớ
đứa này, đứa kia, nhắc tên từng đứa sao lâu quá không thấy về thăm... Vậy mà trước kia chúng tôi cứ
ngỡ tuần nào cũng có về thăm mẹ là được rồi, thậm chí có tuần không về vẫn không hề thấy áy náy. Rồi
hàng ngày chi tiêu gì mẹ cũng đều ghi nhật ký, một thói quen mẹ phải làm để nắm thật chặt chuyện chi
thu trong nhà mới đủ nuôi con. Có những trang chúng tôi đọc và đau lòng nhận ra có những ngày mẹ rất
túng thiếu không còn một đồng để tiêu nhưng vẫn cắn răng không than với con...
Mẹ mê viết từ lúc còn là học sinh cho đến tận cuối đời, trước khi chết vẫn còn ấp ủ sẽ sửa lại và
bổ sung thêm nhiều điểm trong cuốn hồi ký
[3]
. Mỗi lần sách mẹ được in, mẹ cứ cầm nhìn ngắm say mê,
đọc đi đọc lại. Không những mê sách của mình, mẹ còn mê sách của người khác. 90 tuổi, được
Nguyễn Nhật Ánh tặng sách viết cho... tuổi mới lớn, mẹ vẫn đọc không sót một chữ để “rủi nó hỏi còn
biết đường trả lời”! Mẹ quý trọng tất cả những người viết, dù thật ngược đời, mẹ luôn khuyên tất cả
anh chị em chúng tôi “Hãy chọn nghề khác, đừng theo nghiệp viết văn - làm báo. Trường văn trận bút
là một nghề hư danh, bạc bẽo, lành ít dữ nhiều”. Năm 1977, khi tôi ở Thanh niên xung phong được
Tổng Biên tập Võ Như Lanh gọi về làm báo Tuổi Trẻ, hỏi ý mẹ, mẹ chỉ thở dài, rồi sau đó lại đổi
buồn làm vui, khuyên tôi những điều cần làm và cần tránh trong nghề báo, trong đó quan trọng nhất là
câu “làm báo là để giúp người”. Nghe lời mẹ, tôi làm báo đến nay gần 30 năm, hầu như không phạm
sai lầm nào đáng kể.
CÔNG TRÌNH ĐỂ ĐỜI
Sinh nhật của tôi, tôi thường không làm gì, nhưng còn sinh nhật mẹ, những năm sau này tôi luôn tổ
chức. Để những học trò cũ, những con cháu từ khắp nơi, được dịp tề tựu bên mẹ. Mẹ luôn miệng nói
thôi đừng tổ chức tốn kém, nhưng ánh mắt mẹ lại cho thấy mẹ đang trông chờ ngày ấy biết bao nhiêu!
Không phải để mặc đẹp, không phải để ăn ngon - càng ngày mẹ càng ăn ít lại - mà chỉ là dịp để được
gặp đông đủ người thân.