Lẽ dĩ nhiên năm ấy tôi thi đậu và cũng vì có bằng Sơ học yếu lược này mà cuộc đời thơ ấu của tôi
lại đi vào một khúc quanh khác. Vì ở Tam Quan không có trường dạy cấp hai, cũng không có trường
riêng cho nữ, trong khi cha tôi rất quan tâm đến chuyện học của tôi. Ông nội tôi cứ nói rằng tôi là con
gái mà ngang bướng quá, lại thêm được cha tôi quá nuông chiều, còn mẹ tôi thì nói ở nhà không ai dám
rầy la tôi, mẹ tôi còn không hề đánh tôi một cái tát nhẹ. Phải tìm cho tôi một trường nữ. Mà trường nữ
thì phải về Đà Nẵng hay là ra Huế học trường Đồng Khánh ở luôn trong ký túc xá.
Nghe thế tôi không hề ngán chút nào, đi thì đi, miễn là được tiếp tục học, đừng bắt ở nhà học vá
may, thêu thùa, công dung ngôn hạnh và làm việc nhà như bao đứa con gái khác ở thời buổi của tôi.
Cha mẹ tôi đang trù tính thì bỗng xảy ra một chuyện thu xếp ở gia đình. Số là bà ngoại tôi có một
cậu con trai duy nhất. Cậu của tôi vì quá được nuông chiều nên không chịu học, trong nhà không sợ ai,
muốn làm gì thì làm, đi học muốn bỏ là bỏ. Còn nhỏ, lớn hơn tôi vài tuổi, mà muốn đá banh là nhập
bọn đi đá suốt ngày. Vậy mà cậu tôi chỉ sợ có cha tôi. Lúc cha tôi ở Đà Nẵng, mỗi lần cậu tôi làm gì
sai trái, bà tôi chỉ cần nói: “Để tao sai đi mời anh Tường mầy về đây trị mầy mới được” là cậu tôi sợ
ngay. Trong một lần mẹ tôi về thăm bà tôi và cũng để thử chở dây dừa về Đà Nẵng bán giúp thêm tiền
cho gia đình, bà tôi ngỏ ý muốn gởi cậu tôi vô Tam Quan ở với cha mẹ tôi. Nhưng bà tôi lại nói thêm:
“Nó đi rồi chắc tao cũng buồn nhưng làm sao bây giờ, muốn nó nên người thì đành vậy thôi”.
Mẹ tôi liền đề nghị: “Hay là con gởi con Vân về đây ở với má, vì trong ấy không có trường nữ mà
nó thì rất muốn đi học. Đi xa nó không sợ”.
Thế là thực hiện ngay một sự trao đổi. Năm học ấy (1924), tôi ra Đà Nẵng, còn cậu Sắc của tôi thì
vào Tam Quan. Tôi được vào học trường Tiểu học nữ Đà Nẵng.
Đà Nẵng là một thành phố thuộc địa của Pháp, nên từ bậc tiểu học, học sinh đã học theo chương
trình Pháp, có rất nhiều giờ tiếng Pháp. Ở đây nữ sinh lớp ba đã biết thêu may, học tiếng Pháp rất giỏi
và nhiều môn khác mà khi tôi học ở Tam Quan không có. Vì thế tôi không được vào lớp nhì mà phải ở
lại lớp ba, ngoài này chả ai cần cái bằng Sơ học yếu lược, cũng chẳng ai lấy nó làm nấc thang đi lên
lớp nhì cả. Thế là tôi lại mất thêm một năm học lớp ba. Ở đời trong cái rủi thường có cái may. Nhờ
học đi học lại cái mình đã biết từ năm nảo năm nào, thành ra mình càng đi sâu vào sự hiểu biết, cũng
như sau này khi tôi đã có một vốn học Pháp ngữ, mỗi lần đọc một kiệt tác của nhà văn Pháp như Les
Misérables của Victor Hugo, hay quyển Sans Famille của Hector Malot, quyển Le Petit Chose của
Alphonse Daudet cũng như các tác phẩm khác, là mỗi lần tôi cảm nhận cái hay một cách khác. Lần đọc
đầu khi còn đi học, thường là để biết những câu chuyện mà tác giả kể một cách hấp dẫn. Đến khi đã
lập gia đình, thường xuyên tiếp xúc với đời, tôi mới thấy tác giả viết rất thâm thúy và tôi thường rút tỉa
ra bao cái hay, cái đẹp, cũng như cái xấu xa mà hoàn cảnh đã tạo ra cho con người. Rồi sau này khi tôi