ngoài sáu mươi tuổi, rảnh rang không còn bận rộn với công việc, có dịp đọc lại tôi càng thấy quả thật
Victor Hugo là một đại văn hào, Alphonse Daudet có lối viết về những năm trai trẻ thật trung thực, và
Litenberger viết cho tuổi thơ vô cùng lý thú. Cứ học đi học lại một bài văn hay một bài toán, tôi lại có
dịp nghiền ngẫm, mình cũng có thể tả được như họ, hay tìm ra một cách giải bài toán khác với cách
thầy giáo đang giải trên bảng đen.
Nói về chuyện học ở Đà Nẵng thật là cả một khoảng đời đầy kỷ niệm thật vui và thật đáng nhớ.
Mới chín tuổi mà phải xa nhà, nhất là khi ở nhà lại là một đứa con được nuông chiều và thương yêu
nhất, vậy mà khi nghe đi Đà Nẵng học, tôi rất vui mừng, bằng lòng đi ngay không một chút bịn rịn. Từ
nhỏ tôi đã phải chứng kiến những cảnh ly biệt, chia tay, nên sau này ra đời, gặp phải cảnh xa người
thân yêu, xa chồng, xa con cái, tôi vẫn có đủ can đảm chấp nhận, không hề than thở buồn rầu.
Lần đầu về lại Đà Nẵng để đi học, tôi được mẹ đưa đi, lo việc đơn từ và chỗ ăn chỗ ở cho tôi tại
nhà bà ngoại. Bà ngoại tôi có một tiệm buôn lớn gần nhà ga nhỏ Đà Nẵng mà người ta gọi là nhà ga
chợ (vì gần chợ Đà Nẵng), trên con đường ngó ra sông Hàn và đây cũng là trung tâm của thành phố Đà
Nẵng lúc bấy giờ. Bà ngoại tôi là một người đàn bà giàu lòng bác ái nhưng lại rất nóng tánh, đa nghi
và không hề biết sợ ai. Bà tôi lấy chồng Tàu, ông ngoại tôi đã mất khi tôi ra ở đây. Mẹ tôi, dì và cậu
Năm tôi đều là con nuôi của bà ngoại tôi. Bà tôi có chồng cả chục năm mà không có con, vì vậy bà đã
nuôi mẹ tôi từ tấm bé do một người đàn bà mang đến cho. Rồi năm lụt sau đó ở Quảng Nam, nhà cửa
mất, ruộng vườn ngập, người ta nghèo đói không thể nuôi con, nên có người mang con cái ra Đà Nẵng
bán. Bà tôi liền mua cả hai chị em con của một nông dân nghèo về nuôi. Thế là bà tôi có mẹ tôi rồi dì
tôi cùng một tuổi với nhau, và cậu Năm, tất cả ba đứa con mà bà tôi đều nuôi dạy tử tế và xem như con
ruột. Cả chục năm sau bà tôi mới sanh được một người con trai, đó mới là máu mủ của bà.
Mẹ tôi không đẹp nhưng rất giỏi giang, giúp bà tôi rất nhiều trong việc nhà và việc buôn bán. Còn
dì tôi rất đẹp lại còn thích ăn chơi, chưng diện. Sau mẹ tôi gặp cha tôi, còn dì tôi thì kết hôn với một
người Tàu giàu có. Bà tôi thật là người hiếm có trên đời. Bà thương đám con nuôi và thương cả lũ
cháu như ruột thịt. Khi ở với bà tôi, tôi được thương yêu rất nhiều. Nhờ vậy mà tôi không nhớ nhà,
sống bên bà như sống với cha mẹ. Bà thích ăn ngon và ăn toàn các thứ bổ - quen theo ông chồng Tàu
của bà - nên tôi cũng được ăn uống theo bà, toàn những thứ mua ở các tiệm Tàu: gà hầm thuốc Bắc, mì
hoành thánh, cơm Dương Châu, vịt hầm măng, yến chưng đường phèn, heo sữa quay..., thôi thì đủ thứ
mà từ nhỏ tôi chưa hề được ăn vì Tam Quan là một vùng ven biển toàn cá và cá.
Bà tôi rất giàu lòng nhân ái, thương người nghèo khó, nhưng rất ghét bọn cậy quyền ỷ thế. Tánh bà
lại nóng nảy không chịu thua ai và rất chống đối những ai ăn hiếp bà. Vào những năm sống dưới quyền
cai trị của người Pháp, ai cũng sợ bọn phu-lít (police - cảnh sát), bọn hải quan đi khám xét các cửa