thường lợi dụng lúc bà tôi đi mua hàng, đi chùa,... là lấy tiền, bán hàng không đưa tiền cho bà tôi. Giờ
có tôi, biết tôi rất thật thà và không bao giờ xin xỏ gì cả, bà giao hàng cho tôi, hoặc các buổi trưa bà
ngủ, tôi thức coi hàng và hễ bán được bao nhiêu, tôi ghi rõ và đưa hết cho bà. Vào ngày nghỉ, bà
thường cho tôi đi chơi khắp Đà Nẵng với bạn bè hay với các cô giáo, vì vậy hang cùng ngõ hẻm nào ở
Đà Nẵng tôi cũng biết. Tôi theo bạn bè về các vườn ăn ổi ăn mận, hái quýt hái cam. Những năm sống
ở Đà Nẵng đã mở cho tôi một chân trời mới.
Năm tôi lên lớp nhì thì tôi không còn học với bà Phạm Đoàn Điềm, giáo viên người Huế, vợ một
dược sĩ có một tiệm thuốc lớn trên đường bờ sông. Bà Điềm hiền lành, dễ thương và là cô giáo đầu
tiên của tôi khi bắt đầu đi học. Tôi rất thương cô giáo và những ngày chủ nhật rỗi rảnh tôi thường đến
thăm cô, chơi với các con cô nhỏ tuổi hơn tôi. Giai đoạn ở niên học này không có gì là xuất sắc và
những ngày êm đềm đã trôi qua thật nhanh để tôi bước vào năm học mới với thật nhiều kỷ niệm nhất
của đời học sinh ở Đà Nẵng của tôi.
Cô giáo mới dạy tôi ở lớp nhì là cô Trần Phạm Thị Loan, người Nghệ An, đã trên ba mươi tuổi
nhưng còn độc thân. Cô xuất thân từ trường Đồng Khánh (Huế), có tiếng là một học sinh xuất sắc, khi
ra dạy là một giáo viên có tài và rất thích hoạt động, tham gia các đoàn thể chống Pháp. Vì cô tham gia
vào những phong trào đấu tranh chống sưu cao thuế nặng, quyên góp tiền cho các nhà chí sĩ đi du học
ở Nhật, ở Tàu, nên cô bị đổi từ Nghệ An vào Đà Nẵng và còn bị chánh phủ Pháp cho người theo dõi.
Cô dạy giỏi, tánh tình hoạt bát, có phần bồng bột, nóng nảy và không chịu nể nang ai, chống đối với cả
bà hiệu trưởng Casanova người Pháp, dạy lớp nhất.
Tụi mật thám Pháp thường theo dõi cô, nhưng cô cứ tỉnh bơ muốn đi đâu thì đi, thăm ai thì thăm,
các nhà chí sĩ thời bấy giờ là cụ Huỳnh Thúc Kháng, cụ Phan Sào Nam và cả các nhân sĩ trong phong
trào Duy Tân. Cô thường dẫn theo vài nữ sinh mà cô thương và tin cậy nhất. Khi biết cha tôi cũng từng
ở trong tổ chức phong trào Duy Tân thì cô rất thích tôi, lại thấy tôi giỏi cả hai môn Pháp văn và Việt
văn nên cô thường bảo tôi hãy đến chơi với cô vào những ngày chủ nhật hay chiều thứ năm. Còn những
hôm dạy xong các tiết buổi chiều, cô thường hướng dẫn học sinh trong lớp ra biển chơi, hóng gió biển,
lội nước. Hồi đó, các nữ sinh tắm biển không phải mặc áo tắm hở hang như bây giờ. Chúng tôi chỉ xăn
hai ống quần, quấn hai vạt áo dài gọn lại và lội nước, đùa với các đợt sóng. Như vậy cũng đã là quá
nhiều và nếu không có cô Loan hướng dẫn thì chúng tôi không dám ra bãi biển lúc bấy giờ. Vì trường
nữ của chúng tôi ở trên một gò cát gần đất thánh Tây và phía sau lưng là biển. Gần trường là đồn lính
Tây. Chúng tôi ít khi dám đi ngang qua đồn lính, nếu đi một mình là phải đi vòng phía đất thánh Tây để
khỏi bị lũ lính Tây kêu réo chọc ghẹo. Cô Loan chẳng hề sợ bọn lính này. Hễ bị bọn nó ghẹo là cô
đứng lại mắng nhiếc tụi nó là vô lễ và đòi vô mét với những sĩ quan cấp chỉ huy của tụi nó. Cô nói
tiếng Pháp rất cừ nên tụi nó sợ.