làm chánh trị.
Bà hiệu trưởng đòi đổi cô đi, nhưng không có trường nào ở tỉnh chịu nhận cô về. Cô bất mãn và
những hôm chủ nhật chúng tôi đến thăm cô, cô thường khuyên chúng tôi đừng đến nữa, sợ liên lụy cho
gia đình chúng tôi. Mùa hè năm ấy, thay vì về Nghệ An thăm gia đình thì cô lại nhận lời một bạn đồng
nghiệp đang dạy ban tiểu học ở trường Đồng Khánh, ra Huế chơi và luôn cơ hội này thăm cụ Phan Sào
Nam đang bị giam lỏng ở Bến Ngự. Khi cô đi thì chúng tôi đã học hết lớp nhì 2
e
Année và sau nghỉ hè
sẽ lên lớp nhất học với bà hiệu trưởng người Pháp. Cô có vẻ rất bịn rịn lớp học cũ vì chúng tôi đã học
với cô suốt hai năm trời. Riêng với tôi, cô rất thương.
Nhưng sau ba tháng nghỉ hè, cô lại trở về trường nữ học Đà Nẵng và tiếp tục dạy lớp nhì 2
e
Année,
khiến chúng tôi rất vui mừng khi gặp lại cô. Cô cho chúng tôi biết cô chỉ còn dạy ở đây một thời gian
thôi, không biết có dạy hết năm không, vì cô dự định xin đổi về Nha Trang. Khi cô nói chuyện này với
tôi, tôi thấy cô có vẻ hớn hở vui tươi như một thiếu nữ. Chúng tôi không khỏi lấy làm lạ và cứ hỏi nhau
cô mình có chuyện gì vui vậy kìa? Hay cô sắp đi ra nước ngoài? Thực hiện được giấc mộng làm chánh
trị?
Sau đó, bọn học trò cũ chúng tôi chỉ còn lại sáu đứa còn theo học lớp nhất với bà Casanova, một
số khác đã đổi ra học nghề, một số khác đã tìm việc làm để giúp đỡ cha mẹ. (Thời tôi đi học, cha mẹ
ít cho con gái học nhiều. Vừa học xong bậc tiểu học đã kiếm việc làm hoặc lập gia đình). Bà
Casanova là một hiệu trưởng nghiêm khắc nhưng khi dạy thì rất dễ thương. Bà dạy rất nghiêm túc, khi
rảnh còn dạy thêm giờ cho chúng tôi và bà tuyên bố năm học ấy trong mấy đứa tôi phải có một đứa thi
tiểu học đậu thủ khoa để lấy tiếng cho trường nữ. Bên trường nam, lớp nhất có cả ba, bốn chục học trò,
Pháp văn thì học ông hiệu trưởng Rivière, một dân Pháp gốc Algérie hay Martinique, còn các giờ khác
thì học với thầy Thái Viên, một giáo viên có tiếng dạy giỏi nhất về môn toán. Năm học với bà
Casanova, tôi luôn đứng nhất, về nhà còn được cha tôi dạy thêm Pháp văn và Việt văn. Bà Casanova
thương tôi lắm, bà thiên vị thấy rõ, cái gì của tôi làm, viết, vẽ, bà đều cho là giỏi nhất. Năm học này,
với các môn khác như khoa học, toán, sử, địa, tôi chỉ cần xem qua vài lần rồi với cái vốn tiếng Pháp
của mình, tôi đứng lên trình bày chớ không cần phải học thuộc lòng. Đó là một lợi thế để tôi có thì giờ
đọc sách Pháp, tha hồ mà đọc vì cha tôi có cả một tủ sách Pháp thích hợp cho tuổi thanh niên, sách
lành mạnh, cổ điển và có thể thâu lượm làm tài liệu viết văn sau này. Tôi ham mê đọc sách vào lúc ấy,
có khi đọc quên cả học.
Trong thời gian này, tôi không còn gần gũi cô Loan nhiều, nhưng thỉnh thoảng vào ngày nghỉ tôi vẫn
cùng vài người bạn đến thăm cô. Tôi nhận xét một điều là cô rất ít nói đến chánh trị như lúc trước. Cô
vui vẻ, hăng hái với công việc hàng ngày hơn, thậm chí không tỏ thái độ ghét Tây, chửi bọn quan lại