dọa kẻ này kẻ khác để ăn tiền.
Một lát sau cô Điềm nhìn Dõng và hỏi:
- Thế em có bằng lòng không hả Dõng?
Dõng ấp úng:
- Em năn nỉ, khóc lóc với cha mẹ để em học đến bậc trung học, ra làm cô giáo rồi hãy lấy chồng,
nhưng cha mẹ em nói, con gái càng học nhiều càng ế chồng và đàn ông, con trai ít ai muốn có vợ đi
làm, có nghề nghiệp ngoài xã hội. Ba mẹ em còn nói, phần đông các cô mụ, các cô giáo đều ế chồng.
Dõng rất đẹp, ông Phán Mai thường đi theo Dõng những lúc Dõng ở trường về nhà. Ông chọc ghẹo
Dõng không được, mua quà tặng Dõng cũng không lấy, bèn lập kế bắt anh của Dõng và vu cáo là chống
đối chánh phủ Pháp, rải truyền đơn ở các làng gần đó. Thế là cha mẹ Dõng phải tìm đến ông Phán Mai
nhờ ông cứu đứa con vô tội. Sau đó ông Phán Mai lui tới nhà cha mẹ Dõng rất thường và ngỏ ý muốn
cưới Dõng, chỉ chờ Dõng thi đậu tiểu học là làm đám cưới. Ở thời 1925, con gái đâu dám cãi lời cha
mẹ. Huống chi cha mẹ Dõng lại nghèo, gả con cho một ông Phán làm Sở Mật thám là một chuyện ngoài
sức tưởng tượng. Đây lại là chuyện đền ơn đáp nghĩa. Câu chuyện của Dõng khiến cô Điềm rất thương
cảm, nên hôm ấy cô đã thổ lộ về chuyện cô Loan mà không cần bọn tôi gạn hỏi, mặc dù tánh cô rất ít
nói, không chịu nói những chuyện riêng tư của người khác.
Cô Điềm suy nghĩ một lát rồi thở dài:
- Bây giờ có một số chị em được đi học, có nghề nghiệp ngoài xã hội, nhưng cái xã hội còn phong
kiến này chưa ai thay đổi được đâu. Tam tòng tứ đức, trọng nam khinh nữ, công dung ngôn hạnh, hôn
nhân cưỡng bức... Những chuyện ấy chưa có ai đứng ra để bênh vực cho phụ nữ. Cả nửa thế kỷ nữa
chưa chắc đã có bình quyền bình đẳng giữa nam nữ ở nước ta. Cô hy vọng ở thế hệ các em đó. Vậy mà
bây giờ Dõng còn là vật hy sinh cho cái xã hội phong kiến, hôn nhân cưỡng bức thì thật đau lòng.
Không biết cô Loan khi nghe chuyện này sẽ nghĩ thế nào? Cô thường chống đối những chuyện như thế
này lắm.
Tôi đưa mắt nhìn Sen, Sen liền lên tiếng:
- Thưa cô, cô Loan cũng sắp lập gia đình rồi phải không cô?
Cô Điềm hỏi:
- Cô Loan nói với các em à?