con mồi với Đức còn hơn là làm con mồi của chúng. Trong khi địch quân
sử dụng gần như toàn bộ lực lượng của mình trên sông Vistule thì chúng tôi
chỉ đưa quân đến đóng trên sông Rhin và chẳng làm gì cả, ngoại trừ một vài
hành động mang tính tượng trưng. Chúng tôi cũng không làm gì để kiểm
soát Ý, bắt họ phải lựa chọn giữa một là bị Pháp tấn công, hai là phải cam
kết giữ trung lập. Và cuối cùng, chúng tôi cũng không làm gì để nhanh
chóng thiết lập điểm tiếp giáp với Bỉ bằng cách đưa quân đến Liège và
kênh đào Albert.
Một lần nữa, giới cầm quyền lại cố nhìn nhận chính sách ôm cây đợi
thỏ này là một chiến lược hiệu quả. Các thành viên chính phủ, mà trước
nhất là ông Thủ tướng, và nhiều nhân vật tai to mặt lớn cứ thi nhau lên báo
đài để ca tụng những ích lợi của việc án binh bất động; theo lời họ nói thì
chúng tôi đang giữ được sự toàn vẹn lãnh thổ mà không phải chịu một tổn
thất nào cả. Khi tới Wangenbourg thăm tôi, ông Brisson, Giám đốc tờ
Figaro, có hỏi ý kiến của tôi và khi nghe tôi phàn nàn về sự thụ động của
các lực lượng nước nhà, vị này kêu lên:
Chẳng lẽ ông không thấy rằng chúng ta đã giành chiến thắng trong
trận chiến sông Marne đấy sao?
Khi tôi đến Paris vào tháng Giêng và ăn tối tại nhà ông Paul Reynaud
ở đường Rivoli, tôi gặp lại Léon Blum. Ông ta hỏi:
Anh có dự đoán gì không?
Tôi trả lời:
Vấn đề là liệu trong mùa xuân này quân Đức sẽ tấn công về phía tây
để chiếm Paris hay về phía đông để tới Moscow.
Léon Blum sửng sốt:
Anh nghĩ vậy sao? Quân Đức tấn công phía đông ư? Tại sao chúng lại
phải dẫn thân vào đó để rồi chết lạc tận sâu bên trong lãnh thổ nước Nga
kia chứ? Tấn công phía tây ư? Chúng có thể làm gì để đối phó với phòng
tuyến Maginot đây?
Khi Tổng thống Lebrun tới thăm Quân đoàn V, tôi trình diện với ông
đoàn xe tăng của mình. Ông lịch thiệp nói: