đồng. Từ đội ngũ năng lực của EDB, tôi đã tìm ra ba bộ trưởng
nội các sau này là S. Dhanabalan, Lee Yock Suan và Yeo Cheow
Tong. Vài nhân viên của EDB, trong đó có Joe Pillay và Ngiam
Tong Dow, trở thành những thứ trưởng xuất sắc. Ngoài ra, Pillay
còn là chủ tịch của Hãng hàng không Singapore, nơi mà bằng kỹ
năng về kinh doanh và tài chính, ông đã làm cho nó trở thành
hãng hàng không thu nhiều lợi nhuận nhất châu Á, còn Ngiam
thì trở thành giám đốc Ngân hàng Phát triển của Singapore.
Winsemius đóng vai trò là một nhà cố vấn kinh tế có tầm
quyết định, ông phục vụ trong thời gian 23 năm cho đến năm
1984. Ông đến Singapore một năm hai lần, mỗi lần ở lại khoảng
ba tuần. Chúng tôi chỉ thanh toán cho ông chi phí vé máy bay và
các hóa đơn khách sạn tại Singapore. Để giúp ông cập nhật hóa
tình hình, Ngiam, nhân viên liên lạc của EDB, đều đặn gởi cho
ông các báo cáo và các số báo hàng ngày của tờ Straits Times.
Theo thông lệ, ông bỏ ra thời gian của tuần đầu tiên tại
Singapore để thảo luận với các viên chức chính phủ, kế đến là
với các giám đốc điều hành của MNC (công ty đa quốc gia), một
số công ty Singapore và những nhà lãnh đạo NTUC (National
Trades Union Congress – Hiệp hội Công đoàn Quốc gia). Ông đệ
trình bản báo cáo và kiến nghị lên Bộ trưởng Tài chính và cho
tôi. Sau đó chúng tôi sẽ làm việc với riêng ông vào buổi ăn trưa.
Các giám đốc điều hành hàng đầu của MNC sớm đánh giá cao
vai trò của ông và sẵn lòng nói với ông về những vấn đề của họ:
sự quản lý quá chặt của chính phủ, sự tăng giá đồng đôla
Singapore, sự thay đổi công việc quá thường xuyên, một chính
sách quá hạn chế đối với Lao động là người nước ngoài…
Winsemius có sự am hiểu dựa trên những kinh nghiệm thực
tiễn, trí nhớ tốt đối với các con số và sở trường nắm bắt những
vấn đề cơ bản mà không cần phải quan tâm đến quá nhiều chi