rộng lớn nhất để lợi nhuận sẽ quay trở lại với công nhân, những
khách hàng thường xuyên của phương tiện giao thông công
cộng. Điều này cũng làm giảm nhu cầu vé xe rẻ và nhu cầu tiền
trợ cấp chính phủ cho phương tiện giao thông công cộng.
Sau thành công này, chúng tôi đã tự do hóa việc sử dụng CPF
để đầu tư vào bất động sản tư nhân, thương mại, công nghiệp,
chứng khoán của người tín thác, công ty đầu tư tín thác và
vàng. Nếu tiền đầu tư mang lại nhiều lợi nhuận hơn so với lãi
suất CPF, họ có thể rút số tiền thừa ra khỏi CPF. Chúng tôi đã có
những biện pháp bảo vệ nhằm ngăn các thành viên bị thua lỗ
hết số tiền tiết kiệm của họ. Đến năm 1997, đã có một triệu rưỡi
thành viên CPF đầu tư vào cổ phần và cổ phiếu, đa phần là
những cổ phiếu blue–chip trên thị trường chứng khoán của
Singapore.
Khi chúng tôi thả nổi Công ty Singapore Telecom (Công ty
Viễn thông Singapore) vào năm 1993, chúng tôi đã bán phần
lớn cổ phiếu của nó với giá bằng một nửa giá trị của chúng trên
thị trường cho tất cả các công dân trưởng thành. Chúng tôi thực
hiện điều này để tái phân phối phần thặng dư mà chính phủ đã
tích lũy qua những năm tăng trưởng đều đặn. Chúng tôi muốn
người dân Singapore có cổ phần trong một công ty Singapore
quan trọng và có một lợi ích hữu hình trong sự thành công của
đất nước.
Nhằm ngăn cản nạn “đầu cơ cổ phiếu”, bán cổ phiếu ngay để
lấy tiền, như đã xảy ra khi Anh quốc tư nhân hóa Công ty Viễn
thông Anh quốc, chúng tôi đã thưởng cho các cổ đông phần lợi
tức bổ sung sau năm thứ nhất, năm thứ hai, năm thứ tư và năm
thứ sáu, nếu họ không bán cổ phiếu gốc. Điều này đã mang đến
kết quả là 90% lực lượng Lao động đã sở hữu cổ phiếu của công
ty Singapore Telecom, có lẽ đây là tỷ lệ cao nhất trên thế giới.