quyết toán theo di chúc của họ không chậm trễ và không cần
thủ tục tòa án.
Xem xét việc chi phí cho phúc lợi xã hội liên tục tăng của
Anh và Thụy Điển, chúng tôi đã quyết định không dùng hệ
thống không hiệu quả này. Chúng tôi nhận thấy vào những năm
70, khi các chính phủ đảm nhiệm phần lớn nhiệm vụ cơ bản của
một trụ cột gia đình, thì sự nỗ lực của mọi người đã giảm xuống.
Phúc lợi đã hủy hoại đức tính tự lực. Mọi người đã không phải
làm việc cho sự tồn tại của gia đình họ. Việc nhận tiền trợ cấp đã
trở thành một lối sống. Sự giảm sút liên tục xảy ra không ngừng
khi động cơ và năng suất giảm. Mọi người đã đánh mất động cơ
để thành đạt vì họ phải đóng thuế quá nhiều. Họ trở nên lệ
thuộc vào chính phủ về những nhu cầu cơ bản của họ.
Chúng tôi nghĩ cách tốt nhất là củng cố truyền thống Nho
giáo, rằng người đàn ông nên chịu trách nhiệm về gia đình của
anh ấy – bố mẹ, vợ và con cái. Chúng tôi đã quen đối mặt với sự
chỉ trích và sự công kích thường xuyên từ các Đảng đối lập và
các phương tiện truyền thông đại chúng phương Tây, qua
những phóng viên của họ ở Singapore, về việc đã theo đuổi
những chính sách hà khắc và từ chối trợ cấp cho tiêu dùng. Thật
khó mà chống lại những lời hứa hấp dẫn về phúc lợi của phe đối
lập trong suốt những cuộc bầu cử. Vào những năm 60 và 70, sự
thất bại của hệ thống phúc lợi xã hội ở châu Âu vẫn chưa rõ
ràng. Phải mất hai thế hệ cho những thiệt hại từ trước đến giờ
bộc lộ và được biểu hiện qua thành tích của cá nhân giảm, tốc
độ tăng trưởng chậm và thâm hụt ngân sách tăng. Chúng tôi
cần thời gian để làm tăng tiền tiết kiệm CPF, và có nhiều người
sở hữu nhà. Chỉ như thế thì mọi người mới không muốn gởi tiền
tiết kiệm cá nhân của họ vào một quỹ chung dành cho tất cả
mọi người để có “quyền” hưởng phúc lợi giống nhau, sở hữu