những vấn đề ngôn ngữ và văn hóa không mấy khó khăn khi họ
định cư ở hải ngoại.
Để có đủ nhân tài cho những công việc mà nền kinh tế đang
phát triển của chúng tôi cần, tôi bắt đầu chiến lược thu hút và
gìn giữ nhân tài như các nhà doanh nghiệp, giáo sư, nghệ sĩ và
những công nhân có tay nghề cao. Vào năm 1980, chúng tôi
thành lập hai ủy ban, một có nhiệm vụ giúp họ làm đúng nghề
và một kết hợp họ lại thành một xã hội. Với sự giúp đỡ của các
nhà tư vấn cho sinh viên trong các đoàn đặc phái ở Anh, Hoa Kỳ,
Úc, New Zealand và Canada, một đội ngũ nhân viên đã gặp các
sinh viên châu Á có triển vọng ở các trường đại học để thu hút
họ về làm việc ở Singapore. Chúng tôi quan tâm đến việc tuyển
dụng sinh viên châu Á vì Singapore đưa ra một xã hội châu Á có
mức sống cao hơn và chất lượng hơn các quốc gia của họ, và họ
có thể hòa nhập dễ dàng vào xã hội của chúng tôi. Việc tìm kiếm
nhân tài trên toàn cầu có hệ thống này đã thu hút được vài trăm
sinh viên tốt nghiệp đại học mỗi năm. Nó bù lại khoản hao mất
chừng 5% đến 10% số người có trình độ di dân đến các nước
công nghiệp phát triển hằng năm.
Với những người xuất sắc, ủy ban này cố gắng “thu hoạch
sớm”, bằng cách đề nghị việc làm ngay trước khi họ tốt nghiệp,
dựa trên thành tích học tập của họ trước cuộc thi tốt nghiệp.
Vào những năm của thập niên 90, dòng nhân tài chảy vào thông
qua việc tích cực tuyển dụng đạt gấp ba lần dòng chảy ra. Chúng
tôi bắt đầu đưa ra vài trăm học bổng cho các sinh viên giỏi đến
từ Trung Quốc, Ấn Độ và các nước trong khu vực với hy vọng
một số người sẽ ở lại vì những cơ hội việc làm tốt hơn; những
người này khi trở về nước vẫn có thể hữu ích cho các công ty của
chúng tôi ở nước ngoài.