vời về những sự kiện đã xảy ra cách đây 15, 30 năm. Trong bữa
tối, tôi nhận thấy ông vẫn ngờ vực các cường quốc nước ngoài
hơn bao giờ hết dù Miến Điện đã trải qua 20 năm đình trệ kinh
tế. Ông nói về việc bị kẹt trong một “cuộc đấu trí” chống lại các
phần tử bên ngoài Miến Điện, những kẻ muốn gây tổn thất cho
đất nước ông càng nhiều càng tốt.
Thật buồn khi thấy Rangoon tệ hại hơn một Rangoon tôi đã
đến thăm năm 1965. Không có con đường, tòa nhà nào mới. Mọi
thứ đều trong tình trạng không được sửa chữa và trên các con
đường chính có nhiều ổ gà, một vài chiếc xe hơi loại cũ của
những năm 50 hoặc 60. Bất kỳ vị bộ trưởng nào cũng không thể
làm được điều gì cả, với các chính sách của ông. Báo tiếng Anh
thì chỉ là một tờ báo khổ nhỏ, một tờ đơn 4 trang. Báo tiếng
Miến Điện thì khổ lớn hơn một chút. Những người hiện diện
trong ngôi chùa Shwe Dagon nổi tiếng của họ trông luộm
thuộm và nghèo nàn. Từ trong xe tôi nhìn ra thấy các cửa hàng
đều trống không.
Khi Thủ tướng của ông là Maung Maung Kha thăm Singapore
vào tháng 9/1986, tôi cố gắng làm ông quan tâm đến du lịch, kể
cho ông về một bài báo tôi đã đọc trong tờ Singapore American
(một ấn bản của cộng đồng người Mỹ ở Singapore) viết về
chuyện hai giáo viên ở trường học Mỹ miêu tả chuyến tham
quan của họ đến Rangoon, Mandalay và Pagan. Họ đã đi quá
giang một phần chuyến du lịch và cho đấy là một cuộc phiêu
lưu kỳ thú. Tôi đề nghị ông nên mở cửa Miến Điện, xây dựng
khách sạn và thực hiện những chuyến bay an toàn từ Rangoon
đến Mandalay và Pagan. Ông sẽ có một lượng du khách lớn và
thu nhập tài chính đáng kể. Ông im lặng lắng nghe và nói rất ít.
Không có điều gì diễn ra sau đó. Ne Win không muốn người
nước ngoài đến Miến Điện.