Một vài tuần sau đó, tôi được đưa xem những bài báo viết về
Singapore đăng trong tờ Nhân dân Nhật báo của họ. Đường lối
của báo này đã thay đổi. Singapore được mô tả là thành phố
vườn đáng nghiên cứu, có nhiều cây xanh, nhà ở công cộng và
cảnh quan du lịch. Chúng tôi không còn là “chó săn của đế quốc
Mỹ”. Cái nhìn của họ về Singapore đã thay đổi nhiều hơn vào
tháng 10 năm sau, 1979, khi Đặng tuyên bố trong một bài diễn
văn: “Tôi đã sang Singapore để nghiên cứu cách thức họ sử dụng
vốn nước ngoài. Singapore hưởng lợi từ các nhà máy do người
nước ngoài xây dựng tại Singapore: trước hết, là các xí nghiệp
nước ngoài nộp 35% lãi ròng cho nhà nước dưới dạng thuế; thứ
đến, là thu nhập lao động thuộc về công nhân; và cuối cùng là
đầu tư nước ngoài làm nảy sinh các khu vực dịch vụ. Tất cả
những khu vực dịch vụ này đều là thu nhập (cho nhà nước).”
Những gì ông ta nhìn thấy tại Singapore năm 1978 đã trở thành
một điểm quy chiếu được coi là mức tối thiểu mà nhân dân
Trung Quốc phải đạt được.
Vào cuối tháng 1/1979, Đặng đi thăm Hoa Kỳ và khôi phục
quan hệ ngoại giao với tổng thống Carter mà không có điều kiện
Hoa Kỳ từ bỏ Đài Loan. Ông ta muốn tin chắc rằng Hoa Kỳ sẽ
không liên kết với Liên Xô khi Trung Quốc tấn công và “trừng
phạt” Việt Nam. Đó là lý do khiến ông ta nhất quyết đi thăm Hoa
Kỳ.
Tại ngôi nhà nghỉ để đánh gôn của thống đốc ở Fanling tại
Hong Kong, tôi đã gặp David Bonavia, một chuyên gia về Trung
Quốc, trước đây làm việc cho London Times (Thời báo London).
Ông ta coi lời cảnh cáo của Đặng như một lời đe dọa vu vơ bởi vì
Hải quân Liên Xô đang có mặt ở Biển Đông. Tôi nói rằng tôi đã
gặp Đặng cách đây ba tháng và ông ta là một con người cân nhắc