của chính phủ đã xem tôi là một thành viên danh dự và sắp xếp
cho tôi các bữa ăn sáng, trưa, tối, các buổi thảo luận chuyên đề
để gặp gỡ những sinh viên xuất sắc. Trong suốt quá trình thảo
luận, trao đổi, họ đã làm phát sinh nhiều ý tưởng hữu ích và thú
vị. Tôi đã học được rất nhiều điều về kinh tế và xã hội Hoa Kỳ
qua việc đọc sách và qua các buổi nói chuyện với các giáo sư ở
trường thương mại Harvard, điển hình là giáo sư Ray Vernon.
Vernon đã cho tôi một bài học giá trị về bản chất không ngừng
thay đổi của kỹ thuật, công nghiệp, thị trường và cách thức
quyết định lợi nhuận của yếu tố chi phí, đặc biệt là lương bổng ở
các ngành công nghiệp cần nhiều nhân công. Đó là lý do tại sao
các nhà doanh nghiệp Hong Kong có thể kiến lập một nền kỹ
nghệ dệt và may mặc thành công như thế. Họ là những người
nhanh nhạy, thay đổi cách thiết kế, mẫu mã, dây chuyền sản
xuất để phù hợp với sự thay đổi của thị hiếu. Đó cũng là một
cuộc cạnh tranh không bao giờ kết thúc với các nhà sản xuất
nhanh nhạy, biết cách hạ thấp giá thành sản phẩm ở Đài Loan
và Hàn Quốc. Những người quảng cáo và xúc tiến việc bán sản
phẩm cũng thường xuyên đáp máy bay đến tư vấn cho khách
hàng của họ ở New York và các thành phố lớn khác. Vernon đã
xua tan cái ý nghĩ trước đây của tôi rằng các kỹ nghệ công
nghiệp chỉ thay đổi từ từ và hiếm khi di chuyển từ một quốc gia
phát triển sang một quốc gia kém phát triển. Phương tiện vận
chuyển đường biển và đường hàng không rẻ tiền, đáng tin cậy
đã có thể di chuyển kỹ thuật công nghệ sang các quốc gia mới,
miễn là người dân của họ được huấn luyện và đào tạo cách sử
dụng máy móc, và phải có một chính phủ ổn định và tài giỏi để
làm cho tiến trình trở nên dễ dàng hơn đối với các doanh nhân
nước ngoài.