Nguyên nhân sâu xa của vấn đề này là do sự hủy hoại những
tiêu chuẩn đạo đức thông thường suốt thời Cách mạng Văn hóa.
Chính sách mở cửa của ông Đặng năm 1978 đã mở rộng cơ hội
cho nạn tham nhũng.
Các nhà lãnh đạo muốn thành lập một hệ thống pháp lý với
những thể chế đúng đắn. Bởi vì họ biết các thể chế này rất cần
cho luật lệ trong một xã hội văn minh không thể tồn tại mà
không có đạo lý, họ nhấn mạnh lại những lời giáo huấn của
Khổng tử trong dân chúng. Họ còn phát động chiến dịch “ba
trọng tâm” nhằm làm trong sạch hàng ngũ đảng, đó là bàn về
việc học hỏi, về chính trị và về danh dự, phẩm giá. Song vì lương
bổng của các quan chức thấp một cách không thực tế, nên
những lời kêu gọi như thế này ít có tác dụng, bất chấp cả hình
phạt nghiêm khắc, thậm chí tử hình và tù chung thân.
Tuy nhiên, các nhà lãnh đạo có năng lực, cương quyết và
thực dụng đã lèo lái Trung Quốc vượt qua những hiểm họa này
kể từ năm 1978. Họ có quyền lực và sự tín nhiệm. Họ có những
người kế nhiệm phù hợp có năng lực và tháo vát, thậm chí còn
có trình độ hơn họ. Nếu những nhà lãnh đạo tương lai giữ được
tính thực dụng, họ sẽ có thể khắc phục được những khó khăn
này.
Đã hai thập niên rưỡi trôi qua kể từ lần đầu tiên tôi sang
thăm Trung Quốc vào năm 1976, tôi đã chứng kiến Trung Quốc
chuyển mình. Tôi ngạc nhiên không phải vì những công trình
kiến trúc, những cao ốc, đường cao tốc và sân bay, mà là thái độ
và tập tục đổi khác của người dân cùng với sự sẵn sàng bộc lộ
suy nghĩ của họ. Có những cuốn sách được viết và xuất bản mà
nếu như trong những năm 70 hay 80 hẳn đã bị coi là xúi giục
nổi loạn. Thị trường tự do và phương tiện thông tin hiện đại đã