năm nữa, thế hệ họ sẽ thay đổi hình hài Trung Quốc. Chắc hẳn
họ đã nhận ra rằng ngay cả sau khi Trung Quốc phục hồi thành
một đại cường quốc công nghiệp, thì Trung Quốc sẽ không trở
thành một “Vương quốc trung tâm” kiểu Hán Đường, là trung
tâm của vũ trụ, mà chỉ là một trong những quốc gia tiên tiến.
Người Mỹ nên khôn ngoan để cho họ tự do lựa chọn. Người
Trung Quốc là một dân tộc khác biệt với nền văn hóa và lịch sử
khác biệt. Trong công cuộc truy tìm công nghệ và một nền kinh
tế hiện đại, họ sẽ thay đổi với tốc độ của riêng mình, bảo tồn
những giá trị và truyền thống của họ, đồng thời duy trì tính liên
tục với quá khứ. Việc đánh Trung Quốc bằng cách thường xuyên
chê bai họ thiếu dân chủ và nhân quyền chỉ gây ra làn sóng
phản đối của cả một thế hệ Trung Quốc, và làm cho họ chống lại
Mỹ cũng như bài ngoại mà thôi. Đây không phải là sự cường
điệu. Khi thảm kịch ném bom tòa đại sứ Trung Quốc tại
Belgrade xảy ra hồi tháng 5/1999, thoạt đầu tôi nghĩ rằng
những cuộc biểu tình cùng các biểu ngữ gợi nhớ về cuộc Cách
mạng Văn hóa mang tính sắp đặt. Thế nhưng đại sứ chúng tôi ở
Bắc Kinh tường thuật rằng người Trung Quốc thật sự tức giận
và căm phẫn vì những gì họ nhìn thấy là một nước Mỹ hay bắt
nạt muốn hạ bệ Trung Quốc. Việc khuyến khích những phản
kháng như thế này sẽ không giúp ích gì được cho nền hòa bình
và ổn định. Người Mỹ phải hiểu rằng một vài cải cách cũng cần
có thời gian để làm cho nó khả thi. Và những thay đổi như thế
này sẽ do người Trung Quốc thực hiện vì mục đích của người
Trung Quốc, chứ không phải để phục tùng những quy tắc Mỹ,
theo sắc lệnh đạo đức hay kinh tế Mỹ.
Ngay cả trước vụ ném bom, những mối quan hệ song
phương đã căng thẳng rồi khi Tổng thống Clinton không chấp
nhận những nhượng bộ quan trọng của Thủ tướng Chu Dung Cơ