khách ở khoang hạng nhất, họ là một số người Indonesia lai Âu
cứ xum xoe quanh viên thuyền trưởng và các sỹ quan Hà Lan.
Ngược lại, chúng tôi rất ấn tượng trước phong thái của ông bà
Mohammad Razif, một đôi vợ chồng người Indonesia trung niên
luôn giữ khoảng cách với viên thuyền trưởng. Chúng tôi làm
quen với họ và biết ra Razif là một người Sumatra có tinh thần
dân tộc – sau này ông ta là đại sứ Indonesia tại Kuala Lumpur.
Ông khiến tôi phục hồi niềm tin vào niềm tự hào của một người
dân thuộc địa, và tôi rất kính nể ông. Nhưng phải khá lâu sau tôi
mới nhận ra rằng một quốc gia muốn thay đổi thì cần đến nhiều
thứ hơn là chỉ một ít người có đạo đức và năng lực. Mỗi dân tộc
phải biết tự trọng và có ý chí nỗ lực xây dựng đất nước mình.
Nhiệm vụ của người lãnh đạo phải là tạo nên một khung sườn
để trong đó người dân có thể học hành, làm việc, đạt hiệu năng
và được tưởng thưởng xứng đáng. Và điều này không dễ gì đạt
được.
Chúng tôi tới Singapore ngày 1/8. Về đến quê nhà thì thật
tuyệt. Tôi biết mình đang bước vào một giai đoạn mới của cuộc
đời, và tôi nhớ đến những bất trắc của nó. Tuy chúng tôi đi
khoang hạng nhất, nhưng nhân viên nhập cảnh, một ông tên
Fox đeo một cái cà vạt đỏm dáng, lên tàu làm nhiệm vụ, đã
muốn rằng tôi phải biết thân phận mình. Ông để tôi và Choo
phải chờ đến cuối cùng. Ông ta nhìn qua thông hành của tôi và
Choo rồi nói một cách mơ hồ: “Tôi nghĩ rằng chúng tôi có nghe
nhiều về ông đấy, ông Lee.” Tôi nhìn ông ta chăm chú và làm lơ
trước câu nói đó. Ông ta định hù dọa, mà tôi thì không để bị hù
dọa đâu.
Sau này, tôi khám phá ra rằng điều họ ghi sổ bìa đen cho tôi
là chuyện họ nghi tôi tham dự Đại hội thanh niên thế giới ở
Budapest vào tháng 8/1949. Trong mùa hè đó, Liên Xô giúp